Cơ quan quân sự trung ương Trung Quốc ngày 20/7 đã phê chuẩn việc thành lập và triển khai một đơn vị đồn trú ở cái gọi là thành phố Tam Sa.


Nguồn tin từ Bộ tư lệnh Quảng Châu, quân đội Trung Quốc cho hay đã được Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC) cho phép thành lập bộ tư lệnh của đơn vị đồn trú tại thành phố Tam Sa.

Đây sẽ là bộ tư lệnh cấp phân khu thuộc bộ tư lệnh tỉnh Hải Nam của quân đội Trung Quốc, chịu trách nhiệm quản lý điều động quốc phòng, quân phòng bị cũng như tiến hành các hoạt động quân sự tại Tam Sa. Bộ Tư lệnh của đơn vị đồn trú này sẽ nằm dưới quyền lãnh đạo song song của bộ tư lệnh tỉnh Hải Nam và chính quyền nhân dân thành phố Tam Sa.

Cùng với việc lập đơn vị đồn trú, Trung Quốc không ngừng thúc đẩy hoạt động tại cái gọi là "thành phố Tam Sa" với phạm vi quản lý bao gồm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam) và huyện đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng, Việt Nam). Việc quản lý hàng hải đã bắt đầu ở Tam Sa và Trung Quốc mô tả là để đảm bảo an ninh hàng hải cũng như bảo vệ môi trường tại đây.

"Chúng tôi bắt đầu quản lý hàng hải ở đây ngay sau quyết định thành lập thành phố mới”, một người phát ngôn cơ quan An toàn Hàng hải tỉnh Hải Nam nói. Theo người này, các nhân viên hàng hải đang làm việc để xây dựng cơ sở hạ tầng, hậu cần, trạm đèn, trạm phát thanh… để tăng cường những khả năng giám sát hàng hải cũng như cứu hộ.

Người phát ngôn trên nhấn mạnh, cơ quan quản lý còn đang nghiên cứu các tuyến du lịch biển trong khu vực và xem xét đưa ra quy định mới để quản lý giao thông…

Hôm 17/7, tại phiên họp lần thứ 32, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân (ĐHĐBND) tỉnh Hải Nam đã thông qua quyết định thành lập ủy ban tổ chức hội đồng nhân dân của Tam Sa, nghĩa là chính thức bắt đầu việc thành lập chính quyền tại đây.

Trước kế hoạch lập thành phố Tam Sa của Trung Quốc nhằm đặt hầu như toàn bộ Biển Đông dưới thẩm quyền của một thành phố mới, cả Philippines và Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Các nhà ngoại giao Philippines đã triệu tập đại sứ Trung Quốc Mã Khắc Thanh, trao công hàm phản đối.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết, tuyên bố của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines ở Biển Đông tại những vùng lãnh thổ rõ ràng thuộc về Manila bao gồm một số đảo, vỉa đá ngầm, bãi cạn Scarborough, thềm lục địa và ngoài khơi bờ biển phía tây nước này.

Tại Việt Nam vào cuối tháng 6, trước thông tin phía Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" với phạm vi quản lý bao gồm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và huyện đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng), lãnh đạo hai tỉnh, thành phố trên đã lên tiếng phản đối quyết định trên của phía Trung Quốc. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định huyện đảo Trường Sa là một bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam và trực thuộc quyền quản lý hành chính của tỉnh Khánh Hòa, yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ quyết định sai trái và phi pháp này.

Liên quan đến những hành xử ngày càng lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông, một quan chức an ninh Philippines cho biết, Trung Quốc tiếp tục củng cố sự hiện diện tại bãi cạn Scarborough khi có tới 30 tàu xuất hiện ở đây. Theo vị quan chức giấu tên, có những dấu hiệu chứng tỏ các tàu Trung Quốc đang đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines (EEZ). Số lượng các tàu Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần so với ba tàu phát hiện ở bãi cạn ngày đầu tháng này.

Các tàu này bị phát hiện hôm thứ năm, hai ngày sau khi lực lượng phòng vệ bờ biển của Nga bắt giữ 36 ngư dân và hai tàu cá Trung Quốc đã cố gắng đánh bắt ở khu vực Primorsky thuộc EEZ của Nga.

Thái An (tổng hợp)