Trong chương trình Dân hỏi, bộ trưởng trả lời ngày 22/7, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời các câu hỏi về bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ ngư dân, bảo vệ đồng bào đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài…

Ưu tiên bảo vệ ngư dân

- Trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã triển khai những biện pháp gì trong việc bảo vệ ngư dân Việt Nam?

Trong công tác bảo hộ công dân, bảo hộ ngư dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên. Ta phải bảo vệ ngư dân, đồng thời ngăn chặn sự xâm phạm của nước ngoài đối với vùng biển của ta. Đây là trách nhiệm, đồng thời là tình cảm với ngư dân, những người đang ngày đêm bám biển làm kinh tế và đóng góp bảo vệ chủ quyền đất nước.

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh
Bộ Ngoại giao đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng các khung pháp lý và hợp tác với các nước láng giềng như Hiệp định về nghề cá. Quốc hội cũng vừa thông qua luật Biển, trong đó xác định rõ vùng biển, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta. Đó là những khung pháp lý để ngư dân ta đánh cá hợp pháp, đồng thời để ta đấu tranh, ngăn ngừa những hành vi vi phạm vào vùng biển của ta.

Bộ Ngoại giao cũng tham gia tích cực đấu tranh với các nước khi có vi phạm vào vùng biển, nhất là ngư dân nước ngoài vào đánh cá trong vùng biển của ta. Đồng thời, khi ngư dân ta bị nước ngoài bắt giữ trái phép trên vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của ta, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện nhanh chóng, không kể ngày đêm, đến giải quyết và yêu cầu thả thuyền, người vô điều kiện.

Ta cũng bảo hộ ngư dân của mình khi họ đánh cá ngoài khơi mà có vi phạm vào vùng biển của các nước khác như Malaysia, Indonesia và Philippines.

Bộ Ngoại giao cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, các bộ ngành, địa phương, nâng cao ý thức pháp luật cho ngư dân, khi đánh cá biết đâu là vùng biển của ta, đâu là vùng biển của các nước khác khi các vùng biển đã được phân định rõ để không vi phạm vào vùng biển của các nước khác.

Bảo hộ ngư dân còn là khi họ gặp sự cố trên biển, yêu cầu cơ quan sở tại các nước tham gia giúp đỡ, cứu hộ, cứu nạn ngư dân ta, tạo điều kiện cho ngư dân ta vào tránh bão.

Người Việt ra nước ngoài đều được Nhà nước bảo hộ

- Người Việt ở đất khách thường gặp những rủi ro bất thường, như vụ lao động Việt Nam bị mắc kẹt ở Malaysia, hàng nghìn lao động Việt Nam phải rời Libya hơn một năm trước, cô dâu Việt Nam ở Hàn Quốc bị đánh đập, hành hạ, thậm chí thiệt mang nơi xứ người… Bộ Ngoại giao đã có biện pháp gì để bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài? Và Bộ trưởng có lời khuyên gì cho công dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài?

Hiện có hơn 500 nghìn công nhân Việt Nam lao động ở nước ngoài, hơn 230 nghìn người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, hàng triệu người Việt Nam đi du lịch ra nước ngoài hàng năm, số lượng học sinh, sinh viên đang học tập ở nước ngoài cũng rất đông…

Điều đầu tiên cần biết là tất cả công dân Việt Nam ra nước ngoài đều có quyền được bảo hộ, vì vậy khi xảy ra bất cứ vấn đề gì liên quan đến pháp lý, an toàn tính mạng, cách đối xử, hành xử… đều được sự bảo hộ của nhà nước Việt Nam. Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thực hiện quyền đó cho công dân Việt Nam.

Lời khuyên của tôi khi công dân Việt Nam ra nước ngoài, trước tiên cần nắm những địa chỉ cần thiết để đề phòng bất trắc. Đó là địa chỉ và điện thoại của Bộ Ngoại giao Việt Nam, các cơ quan đại diện, đại sứ quán, tổng lãnh sự…, các đơn vị này luôn túc trực 24/24h và sẽ có những biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, bình đẳng pháp luật, phòng chống rủi ro… cho công dân.

Như với 69 phụ nữ ở Malaysia, đã giải quyết cho 40 người trở về nước, số còn lại tiếp tục ở lại làm việc. Hoặc như ở xưởng may ở Nga, các cơ quan đại diện của ta đã đến trực tiếp xem xét tình hình, làm việc với sở tại để giải quyết. Hay đối với các trường hợp phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, ví dụ ở Hàn Quốc, khi xảy ra bất cứ vấn đề gì, các cơ quan đại diện của ta cũng đã đến để giải quyết những vấn đề liên quan đến bảo hộ công dân ta ở đó.

Nếu không có các địa chỉ và số điện thoại nói trên, các công dân hãy liên hệ với sở cảnh sát sở tại và yêu cầu kết nối với cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước đó.

- Bộ Ngoại giao có thể làm gì để mở đường cho các doanh nghiệp vươn cánh tay ra thị trường thế giới?.

Ngoại giao kinh tế là một trong 3 trụ cột công tác của Bộ Ngoại giao, bên cạnh chính trị và văn hóa. Nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao là tìm hiểu, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như giới thiệu Việt Nam cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài; cung cấp thông tin về thị trường cho các cơ quan và doanh nghiệp trong nước, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp kiểm tra thông tin về các đối tác nước ngoài. 

Bộ Ngoại giao cũng tham gia bảo vệ tư cách pháp nhân và tài sản của các doanh nghiệp Việt Nam nếu gặp sự cố khi làm ăn ở nước ngoài.

Theo VTV