- Cải cách không thể trừu tượng mà phải gắn chặt với mục tiêu. Nếu có 1 đồng để đầu tư cho tương lai thịnh vượng của đất nước, hãy bỏ ra 25 xu cho khu vực công - cố vấn về CCHC Scott Jacobs trao đổi.

Hành chính cai trị hay hành chính phục vụ?

Trong 6.000 thủ tục hành chính (TTHC) được xem xét, khoảng 8% không cần thiết đã bị loại bỏ hoàn toàn, 90% đã được đơn giản hóa, đó là một khởi đầu tốt của giai đoạn 5 năm thực hiện Đề án 30 về đơn giản hóa TTHC.

Không nghi ngờ thành công của Đề án 30 về "tiêu chuẩn quốc tế và VN", song theo ông Scott Jacobs, chuyên gia tư vấn Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI), cố vấn cải cách hành chính (CCHC) cho VN từ những ngày đầu, đặc biệt với Đề án 30, cho rằng bây giờ là lúc "nhìn nhận tính cần thiết của việc nhà nước can thiệp vào thị trường".

The ông Scott Jacobs, tập quán làm việc và cách quản lý của chính quyền vẫn chưa thực sự thân thiện với thị trường.

Ông Scott Jacobs: Cách quản lý của chính quyền vẫn chưa thực sự thân thiện với thị trường

"Cải cách cần sâu sắc hơn. Câu hỏi không chỉ là ‘làm thế nào chính quyền thực hiện các chức năng của mình hiệu quả hơn’, mà còn là ‘chính quyền có nên giữ các chức năng đó’. Nên xem xét lại rất nhiều loại giấy phép, sự ủy quyền, sự kiểm soát, yêu cầu… mà chính quyền đang đặt ra với các doanh nghiệp (DN) tư nhân và công dân".

Cơ chế quản lý chồng chéo

'Chưa thân thiện với thị trường' là như thế nào, thưa ông?

Đây là câu hỏi về văn hóa hành chính, tập quán hành chính. Một phần là do các cơ quan nhà nước VN chưa cố gắng tạo ra một môi trường thân thiện với các hoạt động kinh doanh. Gần như không có sự phối hợp giữa các bộ, ngành, nhiều lĩnh vực chồng chéo, khiến giới DN than phiền về sự mâu thuẫn, trùng lặp, khó dự đoán. Thậm chí có những cơ quan mà chức năng là can thiệp vào thị trường, ví dụ cơ quan quản lý giá.

Tôi cho rằng vấn đề không nằm ở con người mà ở hệ thống nơi họ làm việc, và điều này hoàn toàn thay đổi được. Tôi đã chứng kiến nhiều quốc gia từ mức độ kiểm soát xã hội cao chỉ trong vài năm đã có sự thay đổi to lớn trong văn hoá làm việc của chính quyền, minh bạch hơn, thân thiện với thị trường hơn, chuyên nghiệp hơn, có kỹ năng tốt hơn.

Vì vậy, đầu tư vào hành chính công nên là đầu tư vào thay đổi hệ thống như hiệu quả giải quyết vấn đề, cơ cấu điều hành, cơ chế kiểm soát, trách nhiệm giải trình, sự minh bạch, hoạch định chính sách… thay vì tìm cách thay đổi ngay lập tức cách hành xử của công chức. Hệ thống thay đổi thì con người làm việc trong đó sẽ thay đổi. Hệ thống không thay đổi thì đặt công chức nào vào đó họ vẫn sẽ cư xử theo cách cũ.

Trì hoãn cải cách, phải trả giá lớn

Việc xã hội hóa một số hoặc một số nhóm TTHC đã được nêu lên và được các chuyên gia ủng hộ, nhưng trên thực tế được triển khai rất chậm ở Việt Nam. Có lẽ nếu hệ thống hành chính vẫn giữ tư duy kiểm soát như hiện nay, việc này sẽ khó tiến bộ nhanh?
 

Hệ thống như hiện nay hoàn toàn có khả năng cản trở tăng trưởng kinh tế của VN và hệ thống này phải thay đổi. Hãy lấy chính khu vực tư của VN làm gương. Khoảng 15 năm trước, các DN VN có thể nói là không biết cách cạnh tranh, nhưng giờ đây rất nhiều DN đã làm được điều này.
 
Tại sao? Rõ ràng con người vẫn vậy nhưng hệ thống đã thay đổi. Trong một hệ thống mà cạnh tranh giỏi sẽ kiếm được nhiều tiền, con người sẽ thay đổi nhanh chóng vì họ nhận thấy lợi ích của mình. Khu vực công cũng vậy, hệ thống thay đổi, con người sẽ thay đổi khi họ thấy lợi ích của mình.
 
Có nhiều việc phải làm như giảm quy mô của chính quyền, từ bỏ những chức năng mà chính quyền không nhất thiết phải đảm nhận, phần còn lại là hạt nhân chính quyền phải hoạt động hiệu quả hơn, trách nhiệm hơn, tổ chức tốt hơn.

Với những giải pháp đã và đang thực hiện, ông có lạc quan rằng CCHC ở VN sẽ thành công?

Những giải pháp đã và đang thực hiện là chưa đủ so với những thay đổi cần có, chúng chưa đề cập đến những vấn đề mang tính cấu trúc trong cả khu vực công và tư, đó là trách nhiệm của các nhà lãnh đạo hiện nay. Tôi lạc quan là điều đó sẽ xảy ra, nhưng nên xảy ra sớm hơn chứ đừng quá muộn màng.

Cải cách không thể trừu tượng mà phải gắn chặt với mục tiêu. Nếu có 1 đồng để đầu tư cho tương lai thịnh vượng của đất nước, hãy bỏ ra 25 xu cho khu vực công.

Hành chính đang là điểm nghẽn lớn nhất để VN phát triển do tình trạng nhìn nhận vấn đề sai, đưa ra giải pháp sai và làm vấn đề trầm trọng hơn. Nó tạo ra tâm lý không chắc chắn ở các nhà đầu tư. Đây là thách thức cho những người đứng đầu và hệ thống.

Chung Hoàng