Tân hoa xã đưa tin, chiều 23/7 Trung Quốc đã tiến hành kỳ họp lần thứ nhất HĐND khóa I của cái gọi là “thành phố Tam Sa” tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và ra mắt ban lãnh đạo chính thức của đơn vị hành chính này.
Theo đó, Tiêu Kiệt đã được bầu làm thị trưởng của "Tam Sa". Tiêu, 51 tuổi, là phụ trách cơ quan nông nghiệp tỉnh Hải Nam. Hội nghị trên sau một ngày làm việc cũng bầu một người tên là Phù Tráng, 56 tuổi, Phó Tham mưu trưởng Quân khu tỉnh Hải Nam, làm Chủ tịch HĐND đầu tiên.
Cuộc họp phi pháp của "HĐND TP Tam Sa". Ảnh: THX |
Ngoài ra còn có ba phó thị trưởng cũng được bầu trong hội nghị nói trên. Vị trí Chánh án Tòa án Nhân dân và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân “thành phố Tam Sa” do La Nghị Cương và Trần Á Xuân đảm nhiệm. Trước đó, báo chí Trung Quốc cho biết, cử tri thuộc 15 khu vực bầu cử tại các quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), Trung Sa và Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) đã đi bỏ phiếu bầu ra 45 đại biểu HĐND khóa I của cái gọi là "TP Tam Sa" do chính phủ Trung Quốc thành lập trái phép.
Ngày 22/7, công ty truyền thông mạng liên hợp China Unicom Hải Nam đã đưa vào hoạt động trái phép trạm thu phát sóng di động (BTS) 3G trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Thông tin này được đăng tải trên nhật báo Hải Nam của Trung Quốc số ra ngày 23/7.
Vào ngày 20/7, cơ quan quân sự trung ương Trung Quốc đã phê chuẩn việc thành lập và triển khai một đơn vị đồn trú ở cái gọi là thành phố Tam Sa. Đây sẽ là bộ tư lệnh cấp phân khu thuộc bộ tư lệnh tỉnh Hải Nam của quân đội Trung Quốc, chịu trách nhiệm quản lý điều động quốc phòng, quân phòng bị cũng như tiến hành các hoạt động quân sự tại Tam Sa. Bộ Tư lệnh của đơn vị đồn trú này sẽ nằm dưới quyền lãnh đạo song song của bộ tư lệnh tỉnh Hải Nam và chính quyền nhân dân thành phố Tam Sa.
Cùng với việc lập đơn vị đồn trú, Trung Quốc không ngừng thúc đẩy hoạt động tại cái gọi là "TP Tam Sa" với phạm vi quản lý bao gồm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam) và huyện đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng, Việt Nam). Việc quản lý hàng hải đã bắt đầu ở Tam Sa và Trung Quốc mô tả là để đảm bảo an ninh hàng hải cũng như bảo vệ môi trường tại đây.
Hôm 19/7, cơ quan khí tượng tỉnh Hải Nam cũng thông báo đã có các thiết bị quan trắc khí tượng bằng rađa thế hệ mới trên mặt đất và trên không tại đảo Phú Lâm.
Những hành động liên tiếp này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ những bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền đối với hai quần đảo này. Mới đây nhất, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã lên tiếng phản đối quyết định sai trái và phi pháp của phía Trung Quốc khi thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa," làm tổn hại quan hệ hai nước, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Mọi hoạt động ở khu vực hai quần đảo này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là trái với Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển đã ký giữa hai nước, không phù hợp với Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như các cam kết duy trì ổn định, hòa bình trên biển.
Trước kế hoạch lập thành phố Tam Sa của Trung Quốc nhằm đặt hầu như toàn bộ Biển Đông dưới thẩm quyền của một thành phố mới, Philippines cũng bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ. Các nhà ngoại giao Philippines đã triệu tập đại sứ Trung Quốc Mã Khắc Thanh, trao công hàm phản đối. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết, tuyên bố của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines ở Biển Đông tại những vùng lãnh thổ rõ ràng thuộc về Manila bao gồm một số đảo, vỉa đá ngầm, bãi cạn Scarborough, thềm lục địa và ngoài khơi bờ biển phía tây nước này.
Trong thông điệp liên bang hôm qua, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tuyên bố sẽ không nhượng bộ trong vấn đề Biển Đông và quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Ông yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Philippines và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Thái An tổng hợp