- Trung Quốc cuối cùng đã thể hiện rõ tham vọng thống trị cả Biển Đông bằng những đội tàu đông đảo, các tiền đồn quân sự và một thành phố vội vã mọc lên trong chớp mắt.

'TQ chớ hành động đơn phương trên Biển Đông'
TQ dùng chiến lược 'nghìn vết cắt' ở Biển Đông
TT Philippines: Nếu có người vào sân nhà bạn...

Bốn nước Đông Nam Á đưa ra khẳng định chủ quyền ở một số khu vực thuộc Biển Đông, còn Trung Quốc thì tuyên bố chủ quyền với hầu như toàn bộ vùng biển, kể cả khi ranh giới ấy lượn sát bờ biển nước khác. Kiểu yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ngang nhiên đến nỗi Tổng thống Philippines trong thông điệp liên bang trước quốc hội phải bóng gió: "Nếu có người bước vào sân nhà bạn...", hay thượng nghị sĩ nước này, ông Eduardo Angara thì thẳng thắn: "Một nước lớn đang đe dọa khi mở rộng tuyên bố chủ quyền tới sát ngưỡng cửa của lãnh thổ Philippines".


Đảo nhỏ Phú Lâm ở giữa Biển Đông. Ảnh: wordpress

Thay cho cuộc xung đột nặng nề,  từng chút, từng chút một, Trung Quốc toan tính đưa nguồn lực của họ vào việc xây dựng, tạo lập sự hiện diện ở những hòn đảo nhỏ, vắng vẻ hay thậm chí không có người ở.

Mới đây, Trung Quốc đã thông báo kế hoạch lập đơn vị đồn trú (dường như là không lớn) trên đảo Vĩnh Hưng, tức đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Họ tuyên bố, tiền đồn này sẽ bảo vệ một "thành phố" gọi là Tam Sa - cho tới cuối tháng trước thậm chí không tồn tại.

Cái gọi là Tam Sa cách đất liền Trung Quốc tới 350km được Bắc Kinh rốt ráo xúc tiến thành lập. Là thành phố thứ 658 theo phân loại của Trung Quốc, có 45 quan chức chính quyền để điều hành, có thị trưởng và bí thư thành ủy tên là Phù Tráng - phó tham mưu trưởng Quân khu tỉnh Hải Nam. Từ Tam Sa, Trung Quốc muốn quản lý hầu như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Giới phân tích quân sự chỉ ra rằng, lập thành phố mới là dấu hiệu đáng lo ngại của sự quả quyết ngày càng lớn mà Trung Quốc áp dụng trong tranh chấp chủ quyền với khu vực. Nó cũng thể hiện quyết tâm đối mặt với Mỹ - nước đã công bố chiến lược quốc phòng mới hướng tập trung về lại châu Á.

Dĩ nhiên, Trung Quốc vẫn ra sức phủ nhận điều này khi các quan chức luôn khẳng định "gia tăng hòa bình" hay "kêu gọi các nước cùng hợp tác vì ổn định và phát triển khu vực".

Tô Hạo, người đứng đầu Trung tâm Chiến lược và quản lý xung đột, ĐH Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, chính sách của nước này ở Biển Đông vẫn là "phản ứng" chứ không phải "gây hấn". Ông viện dẫn lý do: "Các nước xung quanh Biển Đông muốn củng cố tuyên bố chủ quyền của họ và bảo vệ các lợi ích của họ trước khi Trung Quốc trở nên quá mạnh. Mỹ cũng lo lắng về Trung Quốc nên gián tiếp hoặc trực tiếp ủng hộ các nước này để họ thêm sức mạnh đối phó với Trung Quốc".

Ngày 24/7, báo Philippine Star của Philippines đưa tin, Trung Quốc sẽ xây dựng một đường băng trên bãi đá Su Bi. Hiện ở bãi này đã có một số công trình xây dựng của Trung Quốc cộng thêm hệ thống rađa lớn.

Người Trung Quốc còn được vỗ về với những kế hoạch phát triển du lịch biển của chính quyền. Quan chức Trung Quốc từng không ngại ngần tán dương quần đảo Hoàng Sa (mà họ gọi là Tây Sa) sánh ngang vẻ đẹp của những bãi biển Thái Lan và hứa hẹn sẽ mở các tuyến du lịch, triển khai những du thuyền xa hoa tới nơi đây.

Và Trung Quốc đã lên kế hoạch tận dụng ưu thế kinh tế để dần dần xây dựng sự hiện diện trên các đảo ở Biển Đông. Họ trông đợi rằng Philippines, Việt Nam hay những nước tuyên bố chủ quyền khác sẽ bị đẩy vào thế bị động, khó khăn trong việc khẳng định chủ quyền với các đảo đã đầy rẫy binh lính, các tòa nhà và cả dân thường Trung Quốc.

Nhưng hãy nhớ, như lời Tổng thống Philippines tuyên bố: “Nếu ai đó đi vào sân nhà bạn, nói với bạn nó là của ông ta, bạn có cho phép không? Không thể từ bỏ những gì hợp pháp thuộc về chúng ta... Chúng tôi không muốn gia tăng căng thẳng với bất cứ ai, nhưng phải để thế giới biết rằng, chúng tôi sẵn sàng bảo vệ những gì là của mình”.

Thái An