Chuyến thăm chính thức LB Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (26-30/7) đánh dấu bước phát triển mới về chất, với việc hai bên nâng cấp quan hệ song phương lên “đối tác chiến lược toàn diện”.
Những hình ảnh của cuộc hội đàm từ thành phố biển Sochi giữa Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được tường thuật trên khắp các trang tin tức quốc tế tuần qua. Báo chí Nga tràn ngập những bài viết về chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với những kết quả đạt được “chất”.
6 văn kiện được ký kết cùng quyết định nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện” cho thấy tầm mức mới của quan hệ Việt Nam - LB Nga. Nó cho thấy mức độ tin cậy đặc biệt cao về chính trị giữa hai nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Nga Putin tại cuộc họp báo sau hội đàm. Ảnh: VOV |
Trong suốt những thập kỷ hợp tác, quan hệ Việt Nam - LB Nga đã luôn phát triển theo hướng là đối tác vững chắc và tin cậy của nhau.
Thực tiễn quan hệ Việt Nam - LB Nga thời gian qua cho thấy những điều kiện khách quan cho phép hình thành những điều kiện thuận lợi để hai nước vững bước tiến lên trong mọi hướng hợp tác.
Bởi vậy, khung phát triển được “nâng cấp” lên một bước mới được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Putin cho là “đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay của mỗi nước, nhu cầu phối hợp hành động trên trường quốc tế, phù hợp với mong muốn và nguyện vọng của hai dân tộc”.
Những mục tiêu được đặt ra trong từng lĩnh vực cụ thể để hiện thực hóa nền tảng phát triển quan hệ trong giai đoạn mới. Đó là nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 5 tỷ USD vào năm 2015, tính đến hợp tác trong khuôn khổ của một Hiệp định mậu dịch tự do giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan (Nga, Belarus, Kazakhstan).
Đó là cam kết xây dựng tại Việt Nam nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân với hứa hẹn trở thành biểu tượng hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam và Nga trong thế kỷ 21, hay việc sớm thành lập ĐH Công nghệ Việt-Nga tại Hà Nội…
Khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam
Một trong những hoạt động thu hút sự chú y,́ đó là việc Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm khu tự trị Nenets và dự lễ đón dòng dầu đầu tiên tại khu mỏ Tây Khosedayuskoye của liên doanh dầu khí Rusvietpetro.
Hợp tác dầu khí luôn là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam- LB Nga, trong đó Vietsovpetro giữ vai trò đầu tàu trong hợp tác sản xuất.
Công ty TNHH công ty liên doanh Rusvietpetro đến tháng 2/2012 đã khai thác được hai triệu tấn dầu tại mỏ Bắc Khôxêđaút, khu tự trị Nenets.
Việt Nam và LB Nga khẳng định sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp và công ty liên doanh Việt-Nga, như Rusvietpetro, Vietsovpetro, Gazpromviet và Vietgazprom, TNK-BP Management, Lukoil Overseas, mở rộng các khu vực thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam, Nga và các nước thứ ba.
Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
“Cửa mở” nơi châu Á - TBD
Những tuyên bố, quan điểm giữa nguyên thủ hai nước về sự hợp tác mở ở châu Á - Thái Bình Dương - một trong những khu vực nổi lên quan trọng hiện nay - tạo những chú ý lớn khi quan sát chuyến thăm này tuần qua.
Nga, nước chủ nhà của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC 2012), không giấu diếm vai trò là "một phần không thể tách rời" đối với châu Á - Thái Bình Dương. Một khu vực mà Nga khẳng định hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Nga, trước hết đối với vùng Sibiri và Viễn Đông.
Trong chuyến thăm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tuyên bố ủng hộ đường lối chiến lược của lãnh đạo Nga nhằm không ngừng củng cố vị thế ở châu Á - Thái Bình Dương, vì lợi ích hòa bình và phát triển bền vững ở khu vực này.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội kiến với quyền Chủ tịch Duma Quốc gia Nga I.Melnikov. Ảnh: VOV |
Hai bên ủng hộ việc thành lập ở đây một cấu trúc an ninh mở, minh bạch, bình đẳng và hợp tác, được xây dựng trên các quy định của luật pháp quốc tế, nguyên tắc không liên minh và tính đến lợi ích hợp pháp của tất cả các nước.
Với khu vực “lõi” ASEAN, Tổng thống Putin đánh giá cao vai trò tích cực của Việt Nam.
Việt Nam và Nga khẳng định quyết tâm tăng cường phối hợp nhằm đối phó với các thách thức, nguy cơ mới đe dọa an ninh và phát triển bền vững ở châu Á - Thái Bình Dương, trước hết trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ASEAN và Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với các đối tác đối thoại.
Sớm xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử tại Biển Đông “Hai bên cho rằng các tranh chấp lãnh thổ và các tranh chấp khác tại không gian châu Á - Thái Bình Dương cần được giải quyết chỉ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế hiện hành, nhất là Hiến chương LHQ và Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. Hai bên ủng hộ việc thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 và tiến tới sớm xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử tại Biển Đông” Trích Tuyên bố chung Việt Nam - LB Nga nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang |
Linh Thư