Dọc theo con đường khúc khuỷu, binh lính có thể ngắm bắn mục tiêu khá dễ dàng. Những kho chứa đạn dược nằm ở phía sau hàng rào kẽm gai trên cao nguyên lạnh giá. Các kho chứa nhiên liệu và những căn cứ nhỏ bắt đầu mọc lên.

Con đường tới Tawang miền biên giới là một trong những tuyến đường cung cấp quân sự chiến lược nhất của Ấn Độ. Những đoàn xe tải mang theo binh lính, lương thực và nhiên liệu đi qua Himalaya trên chặng đường 320km tới các trại đóng quân dọc theo biên giới tranh chấp.

Trong một chuyến đi cuối tháng 5, đầu tháng 6, các phóng viên của Reuters đã thấy con đường trên độ cao chênh vênh này khá nguy hiểm, thường xuyên bị tắc nghẽn vì lở đất hay bão tuyết.

Lính Ấn Độ ở gần một căn cứ quân sự trên đường Tezpur-Tawang, bang Arunachal Pradesh. Ảnh: Reuters

Bắt đầu ở vùng đồng bằng bang Assam, đường Tawang được binh lính bảo vệ cẩn trọng với súng trường Israel và rocket vác vai. Ở những điểm cao hơn, đoàn xe hậu cần phải vật lộn trên con đường bao quanh các thung lũng đá gần đường biên giới với Trung Quốc. Đó là đường độc đạo, hàng hoá hậu cần chuyển tới những đồn quân sự xa xôi thậm chí phải dùng la vận chuyển cả ba ngày trời.

Dọc theo con đường khúc khuỷu, binh lính có thể ngắm bắn mục tiêu khá dễ dàng. Những kho chứa đạn dược nằm ở phía sau hàng rào kẽm gai trên cao nguyên lạnh giá. Các kho chứa nhiên liệu và những căn cứ nhỏ bắt đầu mọc lên. Ngoài việc triển khai thêm quân, tên lửa và máy bay chiến đấu ở Arunachal, Ấn Độ dự kiến mua thêm trực thăng hạng nặng để vận chuyển pháo lên vùng núi.

Xây dựng sân bay

Trung Quốc quản lý Tây Tạng với “bàn tay sắt”, hạn chế tối đa những chuyến thăm viếng của báo chí nước ngoài khiến cho những đánh giá độc lập về sự hiện diện quân sự trong khu vực gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, mọi dấu hiệu đều cho thấy ngày càng có nhiều cơ sở hạ tầng tinh vi mọc lên ở biên giới phía Trung Quốc.

Trong một chuyến thăm do chính phủ Trung Quốc tổ chức tới Tây Tạng vào năm 2010, một phóng viên của Reuters đã thấy 6 chiếc máy bay chiến đấu Su-27 và một số máy bay hiện đại nhất của Trung Quốc sở hữu hoạt động ở sân bay Gonggar của Lhasa. Trung Quốc đã hoặc đang mở rộng các sân bay ở khắp Tây Tạng, tất cả đều được sử dụng hai mục đích dân sự và quân sự.

Trong khi đó, các cư dân ở biên giới phía Ấn Độ thông tin rằng, Trung Quốc đã xây dựng những con đường bằng phẳng kéo dài tới thủ phủ Lhasa của Tây Tạng. Những đồn bốt biên giới của Trung Quốc, giống như Ấn Độ hiện tại, từng chỉ có thể tiếp cận bằng ngựa hay la. Giờ đây, đã có đường nhựa nối đến.

Xa hơn vùng biên giới, quá trình nâng cấp cơ sở hạ tầng của Trung Quốc còn bao gồm việc rải nhựa con đường lịch sử xuyên khu vực Aksai Chin mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền. Công trình xây dựng con đường Tân Cương - Tây Tạng 50 năm trước đây từng khiến Ấn Độ bất ngờ và con đường ấy cũng đóng góp vào chiến tranh biên giới 1962.

Đường sắt Trung Quốc cũng được cải thiện không ngừng: Bắc Kinh đã mở một tuyến đường sắt từ Tây Tạng đến khu vực này trong năm 2006 và lên kế hoạch mở rộng tới vùng biên giới Arunachal.

Theo bức điện tín ngoại giao mật mà Wikileaks công bố năm 2010, một nhà ngoại giao Mỹ kết luận rằng, phát triển cơ sở hạ tầng ở vùng Lhoka - mà theo Trung Quốc là bao gồm cả Tawang, là một phần cho chiến dịch chuẩn bị “cơ sở hậu phương” trong trường hợp xảy ra xung đột biên giới.

Trong nhiều năm qua, Ấn Độ đã bỏ quên cơ sở hạ tầng ở Arunachal Pradesh, một phần là để nó trở thành vùng đệm tự nhiên chống lại bất cứ sự xâm lấn nào của Trung Quốc. Chính sách này đã bị bỏ rơi khi mức độ phát triển về phía Trung Quốc trở nên rõ ràng.

Tiếp cận thực tế

Năm 2008, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã có chuyến thăm đầu tiên tới Arunachal và hứa hẹn chi 4 tỉ USD để xây dựng con đường dài 1.700km nối kết các thung lũng trong bang cũng như một tuyến đường sắt nối đến New Delhi. Điều này cũng sẽ giúp cho các hoạt động quân sự trở nên dễ dàng hơn.

Cùng thời điểm đó, cựu chỉ huy quân sự J.J. Singh đã được bổ nhiệm làm thống đốc bang và đã nhanh chóng tăng cường các dự án cơ sở hạ tầng, điện và viễn thông. "Khu vực này trong lịch sử trước đây chưa từng có một chương trình phát triển ồ ạt như vậy”, ông nói.

Ông Singh, người đã dành phần lớn thời gian binh nghiệp ở Arunachal, nói rằng, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều nhận ra rằng “có đủ chỗ và không gian để cùng phát triển. Cả hai đều có cách tiếp cận rất thành thục và thực tế”.

Tuy nhiên, dù đã trải qua 15 vòng đàm phán cấp cao, vấn đề biên giới vẫn còn khúc mắc hơn bao giờ hết. Truyền thông Ấn Độ thường nói về các vụ xâm nhập biên giới của Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ nói trước quốc hội về 500 vụ xâm nhập được thông báo trong hai năm qua.

Khó theo kịp mạng lưới giao thông của Trung Quốc, sự tập trung của Ấn Độ giờ đây là duy trì quân đội ở gần biên giới. "Ấn Độ đã vật lộn để tăng cường cơ sở hạ tầng”, Ashley Tellis của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Carnegie Endowment, người chuyên nghiên cứu về quan hệ Ấn - Trung, cho biết. "Họ đang cố gắng làm điều này trong 6 hoặc 7 năm qua, và giờ đây, tiến trình ấy vẫn còn chậm chạp. Những gì họ làm trong giai đoạn này là tăng cường sức mạnh quân sự”.

Một cuộc chiến tranh quy mô lớn giữa Ấn Độ và Trung Quốc khó có thể xảy ra, nhưng kiểu chạm trán nhỏ vùng biên giới là không thể bác bỏ trừ phi hai bên kiểm soát các vết trượt trong quan hệ của mình, một số chuyên gia nhấn mạnh. Với việc Trung Quốc trong giai đoạn chuyển đổi lãnh đạo, còn chính phủ Ấn Độ thì dường như thiếu lãnh đạo trầm trọng, giới phân tích bi quan về tiến triển trước mắt trong quan hệ hai nước.

"Quỹ đạo là đi xuống và không có dấu hiệu nào chứng tỏ nỗ lực giải quyết tranh chấp với cả hai bên", Harsh Pant, nhà thuyết trình thuộc khoa nghiên cứu quốc phòng tại trường King's College London nói. "Trước 2006, thậm chí không có ai nói về sự xung đột Trung - Ấn, và quan hệ kinh tế dường như có nhiều điểm tích cực hơn. Nhưng cảm nhận ấy giờ không còn. "Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, nhưng điều đó không ngăn cản khả năng có những ồn ào hay chạm trán nhỏ ở khu vực biên giới những năm tới", ông nói.

Thái An (theo Reuters)