"Trong điều kiện mới của lịch sử, QGPND TrungQuốc nguyện cùng với QĐND Việt Nam cống hiến nhiều hơn nữa cho mối quanhệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt, vì hòa bình, ổnđịnh và phát triển trong khu vực và thế giới" - đại tá Chân Trung Hưng, Tùy viên Quân sự Trung Quốc tại Việt Nam cho hay.

Đại tá Chân Trung Hưng, Tùy viên Quân sự Trung Quốc tại Việt Nam có bài viết đăng trên báo Quân đội nhân dân số ra ngày 1/8 nhân kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Quân Giải phóng nhân dân (QGPND) Trung Quốc.

QGPND Trung Quốc được thành lập ngày 1/8/1927. Vì độc lập của dân tộc Trung Hoa, vì hạnh phúc của nhân dân và đất nước giàu mạnh, đội quân ấy đã chiến đấu quên mình, dâng hiến vô tư, lập nên chiến công bất hủ.

Tình hữu nghị giữa quân đội hai nước Trung Quốc và Việt Nam được xây dựng và phát triển trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc và sẽ được nhân dân hai nước khắc ghi muôn đời.

Trong điều kiện mới của lịch sử, QGPND Trung Quốc nguyện cùng với QĐND Việt Nam cống hiến nhiều hơn nữa cho mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt, vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và thế giới.

Tài sản quan trọng của quan hệ hữu nghị Trung - Việt

Ngày 18/1/1950, Trung Quốc và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra thời kỳ mới của mối quan hệ “vừa là đồng chí vừa là anh em” giữa hai nước, đồng thời giao lưu giữa hai quân đội cũng bước vào giai đoạn mới. Thời kỳ chiến tranh chống Pháp của Việt Nam từ năm 1950 đến 1954, Trung Quốc đã có sự giúp đỡ quý báu không thể nào quên để Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc

Năm 1965, hai nước thiết lập Phòng Tùy viên Quân sự, giao lưu và hợp tác giữa hai quân đội được cơ chế hóa. Trước sự xâm lược Việt Nam của đế quốc, Trung Quốc tiếp tục chi viện to lớn đối với Việt Nam. Quân dân Trung Quốc và quân dân Việt Nam cùng kề vai chiến đấu, viết nên chương mới cho mối tình hữu nghị Trung - Việt. Lịch sử sẽ mãi khắc ghi những quân nhân ưu tú Trung Quốc đã hiến dâng sinh mạng quý báu của mình cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.

Trong lịch sử quan hệ giữa hai nước, hai quân đội Trung Quốc và Việt Nam có rất nhiều câu chuyện đẹp. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng ở nước ngoài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung Quốc là nơi Người đến nhiều lần nhất, thời gian ở Trung Quốc cũng dài nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị tiền bối cách mạng của Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai luôn có tình cảm sâu đậm với nhau.

Trong danh sách các tướng quân của QGPND Trung Quốc, duy nhất chỉ có Thiếu tướng Hồng Thủy là vị tướng mang quốc tịch nước ngoài (ở Trung Quốc gọi là Hồng Thủy, ở Việt Nam gọi là Nguyễn Sơn). Năm 1925, ông đến Quảng Tây, Trung Quốc, học tại Trường Quân sự Hoàng Phố và gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Hồng Thủy tham gia cuộc khởi nghĩa Quảng Châu và cuộc Trường Chinh của Hồng quân. Tháng 8/1945, sau khi cuộc kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc giành thắng lợi, Tướng Hồng Thủy về nước trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1948 và năm 1955, ông lần lượt được Việt Nam và Trung Quốc phong quân hàm Thiếu tướng. Là “lưỡng quốc tướng quân”, Tướng Hồng Thủy trở thành người thực hiện, người chứng kiến cho tình hữu nghị của quân đội hai nước Trung Quốc và Việt Nam.

Chặng đường 85 năm phát triển

Trong lịch sử 85 năm phát triển, QGPND Trung Quốc phát triển từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh, từng bước trở thành quân đội nhân dân gồm nhiều quân, binh chủng hợp thành như Lục quân, Hải quân, Không quân, Pháo binh 2, có trình độ hiện đại hóa nhất định và bắt đầu chuyển dần theo hướng thông tin hóa. Lục quân Trung Quốc huấn luyện quân sự theo yêu cầu chiến lược tác chiến cơ động, tấn công phòng ngự toàn diện trong điều kiện đòi hỏi thông tin cao; đẩy nhanh cải tạo, nâng cấp số hóa trang bị chiến đấu chủ lực; khả năng cơ động xa và đột kích tổng hợp nâng lên rõ rệt.

Theo yêu cầu chiến lược phòng ngự gần bờ, Hải quân Trung Quốc đã phát triển hợp tác biển xa, nâng cao năng lực ứng phó với mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Theo yêu cầu chiến lược tấn công kiêm phòng thủ, Không quân Trung Quốc xây dựng hệ thống tác chiến lấy tăng cường tấn công trên không, tên lửa đánh chặn phòng không, di chuyển chiến lược làm trọng điểm. Lực lượng bộ đội pháo binh 2 thúc đẩy xây dựng hiện đại hóa đã trở thành lực lượng hạt nhân chiến lược.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt trong chuyến thăm chính thức Việt Nam 2010. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không bao giờ thay đổi tôn chỉ chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự, tinh thần tự kiềm chế, bảo vệ thế giới hòa bình phát triển. Đây là cam kết của Trung Quốc với cộng đồng quốc tế và cũng là lựa chọn chiến lược xuất phát từ lợi ích căn bản của đất nước và trào lưu của thời đại.

QGPND Trung Quốc ngày nay đã cởi mở và minh bạch hơn. Năm 2008, Trung Quốc thiết lập chế độ người phát ngôn Bộ Quốc phòng. Năm 2011, thực hiện chế độ họp báo thường kỳ Bộ Quốc phòng, nhiều lần phát hành sách trắng quốc phòng và tổ chức cho Tùy viên quân sự các nước tại Trung Quốc, phóng viên báo chí nước ngoài vào tham quan doanh trại và thao trường huấn luyện của quân đội Trung Quốc, được tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, chiến sĩ cơ sở của quân đội Trung Quốc.

Đồng thời, Trung Quốc đã thiết lập cơ chế đối thoại quốc phòng an ninh với 22 nước, tích cực tăng cường hợp tác tin cậy, triển khai diễn tập liên hợp và huấn luyện liên hợp với quân đội các nước, trong đó có Việt Nam. Từ năm 2002 đến nay, quân đội Trung Quốc cùng với quân đội của các nước thành viên “Tổ chức hợp tác Thượng Hải”, các nước ASEAN, Pakistan, Ấn Độ, Australia, Mỹ… tiến hành hơn 50 cuộc diễn tập, huấn luyện liên hợp cả song phương và đa phương, gồm các khoa mục như tìm kiếm cứu nạn, thông tin, bảo vệ hàng hải, gìn giữ hòa bình, tác chiến rừng núi, tác chiến thủy bộ…

Ngoài ra, QGPND Trung Quốc còn tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Từ năm 1990 đến nay đã tham gia 23 hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, với hơn 20 vạn lượt người tham gia. Đến nay, Hải quân Trung Quốc đã cử 12 biên đội tàu bảo vệ hàng hải đến vịnh Aden và vùng biển Somali, hoàn thành hộ tống hàng hải cho hơn 4.700 tàu, trong đó có hơn một nửa là tàu nước ngoài.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực thay đổi phức tạp, QGPND Trung Quốc nguyện cùng với QĐND Việt Nam thắp sáng tình hữu nghị, học tập lẫn nhau, cùng xây dựng tương lai; tiếp tục tăng cường giao lưu các cấp và đối thoại chiến lược giữa hai quân đội; cùng chia sẻ, học tập kinh nghiệm xây dựng và quản lý quân đội, định hướng quan hệ hai quân đội luôn đi theo quỹ đạo đúng đắn, phát triển ổn định, lành mạnh; đóng góp cho quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Trung - Việt, vì hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới.


Chat về tình hình Biển Đông

Quan tâm đến diễn tiến căng thẳng trên Biển Đông, muốn hiểu rõ đằng sau những động thái đó là gì và sắp tới sẽ ra sao dưới góc nhìn của các chuyên gia, giải pháp nào cho Việt Nam và các nước ASEAN, ngay bây giờ, các bạn có thể gửi câu hỏi về địa chỉ: tuanvietnam@vietnamnet.vn hoặc phản hồi dưới đây, để được giải đáp. 


Đại tá Chân Trung Hưng, Tùy viên Quân sự Trung Quốc tại Việt Nam (theo Quân đội nhân dân)