- Đảng bộ lãnh đạo trước hết bằng nghị quyết và chủ trương. Chính sách sai, chủ tịch chịu trách nhiệm. Chủ trương sai thì bí thư phải tự nhận trách nhiệm về mình. Tránh tình trạng đúng thì ai cũng có công, sai không ai nhận lỗi - nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp bàn về công việc của lãnh đạo địa phương.

Kinh qua nhiều chức danh ở cả 3 môi trường: chiến trường, địa phương, trung ương, nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam - thường khái quát chức năng, nhiệm vụ của mình thành mấy từ ngắn gọn dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm.

Trong đó có 2 chức danh quan trọng nhất khi công tác ở địa phương là: Chủ tịch và Bí thư tỉnh Nghệ An. Ông đã khát quát thành cơ chế “ hành động 3C”.

Chủ tịch tỉnh: dấu ấn cá nhân

Làm Chủ tịch UBND tỉnh hàng ngày phải xử lý một khối lượng công việc bộn bề cả kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng và xây dựng Đảng v.v… Nhưng khái quát lại có 3 việc lớn chi phối toàn cục, đó là cơ chế “3C”: Chính sách, công trình, cải cách hành chính.

Chính sách:

Khi đã có nghị quyết, chủ trương của Đảng, thì chính sách quyết định tất cả. Chủ trương là phân cấp, chính sách là phân quyền. Chủ trương là nhận thức, chính sách là hành động. Chủ trương là mục tiêu, chính sách là động lực. Theo nghĩa: Có chính sách cho cây mía thì sẽ có sản lượng và chất lượng đường cao hơn.

Có chính sách cho cây lúa sẽ có sản lượng và chất lượng lương thực cao hơn. Vì chính sách là cơ chế phân phối lợi ích, mà lợi ích là động lực hành động của con người. Làm chủ tịch phải lo chính sách. Chính sách đúng là có công, chính sách sai là có lỗi, thậm chí có tội.

Công trình:

Làm quản lý nhà nước, suy đến cùng dấu ấn cá nhân là những công trình kinh tế, văn hóa, phúc lợi xã hội để lại cho đời sau. Không có công trình là không có dấu ấn, không có thương hiệu, không có trách nhiệm với các thế hệ mai sau.

Cố nhiên công trình có dấu ấn phải là những công trình có quy hoạch đúng, thiết kế đẹp, chất lượng tốt, được công chúng ghi nhận và khai thác hưởng thụ hết công suất.

Đó là những công trình tiêu biểu như: giao thông, thủy lợi, điện, thông tin, cảng, sân bay, công viên, trường học, bệnh viện v.v…

Phải hiểu rằng làm xây dựng cơ bản tốt nhất là rẻ nhất và tiết kiệm nhất. Vì thế công trình càng nhiều thì dấu ấn cá nhân theo năm tháng thời gian càng rõ.

Quảng trường Hồ Chí Minh ở TP Vinh - Nghệ An

Cải cách hành chính (CCHC):

Làm quản lý nhà nước phải trực tiếp và quan tâm chỉ đạo CCHC. Làm sao để giải quyết tốt và kịp thời mọi kiến nghị, đề xuất của công dân, doanh nghiệp và chính quyền cơ sở.

Phải kiểm tra, hướng dẫn, đốc thúc bộ máy công quyền các cấp thương dân, gần doanh nghiệp, hiểu cơ sở để phúc đáp nhanh, đúng, tình nghĩa, giải quyết kịp thời mọi vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và đời sống dân cư vì sự phát triền kinh tế và tiến bộ xã hội.

Cần kết hợp tốt giữa luật pháp, đạo đức và kỹ thuật công nghệ hiện đại để CCHC nhất là ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước.

Cần nhận thức rằng xử lý công việc cho công dân là thước đo trách nhiệm, tài năng, đạo đức, tấm lòng của người quản lý nhà nước đối với nhân dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp.

Chủ trương sai, bí thư phải nhận trách nhiệm

Khác với cơ chế 3”C” của chủ tịch, cơ chế 3”C” của bí thư là: Chủ trương, cán bộ và cơ sở:

Chủ trương:

Đảng lãnh đạo trước hết bằng nghị quyết và chủ trương. Chính sách sai thì chủ tịch phải chịu trách nhiệm. Chủ trương sai thì bí thư phải tự nhận trách nhiệm về mình. Vì thế khi cho chủ trương phải khảo sát sâu, thảo luận kỹ, kết luận rõ, thông báo công khai để các cấp các ngành hiểu và vững tin khi triển khai thực hiện.

Tránh tình trạng đúng thì ai cũng có công. Sai thì không ai nhận lỗi. Dễ dẫn đến bỏ trống, lãng quên, chồng chéo v.v… khi kiểm điểm và truy trách nhiệm cá nhân.

Đây là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến thực trạng khi mới phân công nhiệm vụ bí thư, chủ tịch thì đoàn kết, nhưng sau một thời gian phối hợp hành động sẽ dễ nảy sinh vướng mắc, mâu thuẫn dẫn đến mất đoàn kết giữa cấp ủy và chính quyền.

Cán bộ:

Đảng cầm quyền trước hết là cầm đường lối, cầm cán bộ. Bác Hồ dạy khi có đường lối đúng thì cán bộ quyết định tất cả. Nắm cán bộ là làm tốt 5 khâu: quy hoạch, đào tạo, đánh giá, sử dụng, chính sách cán bộ.

Khi sử dụng cán bộ, điều quan trọng nhất là chọn đúng nhân tài. Chọn đúng thì đơn vị, địa phương, đất nước phát triển nhanh, nội bộ đoàn kết. Chọn sai thì mọi việc dễ trì trệ, nội bộ không yên. Bởi người có đức - tài mới bảo vệ phát hiện, sử dụng, bảo vệ và tập hợp được nhân tài.

Không quy tụ được nhân tài cũng đồng nghĩa với bất tài. Trong cơ chế hiện nay, cách tốt nhất để chọn và sử dụng đúng nhân tài là xây dựng tiêu chuẩn để tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm mà chọn người có đức.

Sau đó tổ chức thi tuyển trong những người có đức để chọn người có tài một cách công khai, minh bạch theo hướng đối thoại, chất vấn, trả lời, cho điểm, để chọn người đạt kết quả cao nhất. Cần làm thử, làm điểm, tổng kết rút kinh nghiệm trước khi đưa ra diện rộng.

Trọng tâm là làm trước các chức danh thủ trưởng các cơ quan quản lý công quyền các cấp từ TƯ đến xã và giám đốc các DNNN. Đây là cách làm tốt nhất vì mục tiêu: Nước thịnh, quan sáng, dân yên.

Cơ sở:

Có thể nói cơ sở là tấm gương soi chung để đánh giá đức - tài và trách nhiệm lãnh đạo quản lý cán bộ các cấp của Đảng và Nhà nước. Cơ sở là thước đo chủ trương, chính sách, tầm nhìn, trách nhiệm của cấp trên. Xã mạnh là huyện, tỉnh, TƯ sẽ mạnh.

Xã yếu là cấp trên phải xuống sửa sai làm thay cấp dưới sẽ bất hạnh và bất lực. Mặt khác cấp trên phải làm thay cấp dưới là thừa cấp dưới thiếu cấp trên. Từng cấp phải làm tròn trách nhiệm của mình với dân mới là một thể chế vững mạnh đồng bộ, toàn diện.

Tóm lại, một đảng cầm quyền phải chăm lo xây dựng cơ sở vững mạnh, đó là nền tảng, gốc rễ của chế độ. Cấp dưới vững mạnh là thước đo đức - tài của cấp trên.

Lê Doãn Hợp
Nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông
Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam