Lầu Năm Góc đang lập ra những kế hoạch mới để chuẩn bị cho một cuộc chiến trên không và trên biển ở châu Á, trong nỗ lực thực hiện chiến lược “trục xoay” châu Á - Thái Bình Dương mà chính quyền của tổng thống Obama công bố đầu năm nay.
Máy bay ném bom chiến lược B1 của Mỹ. Ảnh: armybase
Khi Barack Obama công bố chuyển hướng tập trung quân sự về châu Á hồi
đầu năm nay, thì Andrew Marshall, người đứng đầu văn phòng Đánh giá mạng
của Lầu Năm Góc đã đề xuất chiến lược Tác chiến Không Hải (Chiến tranh
Không - Biển). Suốt hai thập niên qua, Marshall đã nghiên cứu phát triển
chiến lược này.
Chiến lược bao gồm việc sử dụng các máy bay ném bom và tàu ngầm để đánh
bại hệ thống
rađa giám sát tầm xa và làm chệch hướng độ chính xác của hệ thống tên
lửa. Cho tới khi quân đội đối phương “bị bịt mắt”, thì một cuộc tấn công
hải quân và không quân lớn sẽ xảy ra.
Trước khá nhiều chỉ trích, ông Marshall nói rằng, công việc của Lầu Năm
Góc là cân nhắc những kịch bản xấu nhất. "Chúng tôi muốn nhìn vào những
viễn cảnh tương lai không mấy hạnh phúc”, ông khẳng định.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho hay, ông đã nghe thấy những phàn nàn từ
Trung Quốc về chiến lược này. "PLA (quân đội Trung Quốc) đã nổi
đóa”, vị quan chức nói sau khi trở về từ một chuyến đi đến Bắc Kinh.
Theo Washington Post, các quan chức quân sự Mỹ nhấn mạnh, chiến lược này
không nhằm vào Trung Quốc nhưng là một mô hình cho bất kỳ mối đe
dọa quân sự tương tự nào. Trong khi đó, một vị tướng Trung Quốc bác bỏ
điều này. Ông nói về báo cáo
về Chiến tranh Không - Biển đã đề cập cái tên Trung Quốc hàng trăm lần.
Các quan chức cao cấp của quân đội Trung Quốc cảnh báo rằng nỗ lực mới
của Lầu Năm Góc có thể khai mào cho một cuộc chạy đua vũ trang. “Nếu Mỹ
phát triển “Không hải chiến” để đối phó với PLA, PLA sẽ buộc phải phát
triển kế hoạch chống “Không hải chiến”", đại tá Phàn Cao Nguyệt thuộc
Viện Khoa học
quân sự Trung Quốc phát biểu trong một hội nghị do Trung tâm nghiên cứu
chiến lược và quốc tế (CSIS) tài trợ.
Thông tin về kế hoạch chiến lược mới của Lầu Năm Góc xuất hiện trong bối
cảnh tranh chấp giữa Trung Quốc và nhiều nước châu Á đang leo thang ở
các vùng biển, đặc biệt là Biển Đông. John Pike, một nhà phân tích quân
sự của trang web GlobalSecurity cho biết. "Biển Đông là vấn đề an ninh
lớn nhất với chúng ta hiện nay, và tình hình chỉ trở nên tồi tệ hơn".
Trung Quốc gần đây đã đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo các vũ khí chống tiếp
cận, chống can dự, đúng hơn là các tên lửa tầm xa có thể phá hủy tàu sân
bay hoặc tấn công các căn cứ để triệt tiêu những ưu thế quân sự của Mỹ ở
vùng biển Thái Bình Dương. Mục tiêu của họ là đẩy lùi quân Mỹ ra khỏi
khu vực càng xa càng tốt.
Trong khi đó, chưa biết thực hư chiến lược “Tác chiến Không Hải”
thế nào nhưng chiến lược ấy đề cao vai trò của máy bay ném bom và hiện
chương trình máy bay ném bom B1 của Mỹ đang hồi sinh trở lại. Khi vai
trò chiến đấu của Mỹ tại Afghanistan dự kiến kế thúc vào 2014, thì không
quân Mỹ giờ đây bắt đầu tập trung vào việc huấn luyện cho sứ mệnh ở
Thái Bình Dương. "Chúng tôi đang di chuyển từ bay trong môi trường sa
mạc sang phạm vi hoạt động trên mặt nước", trung tá George Holland, chỉ
huy phi đội Kiểm tra và Đánh giá số 337 của không quân cho biết.
Theo Holland, hiện không quân đang làm việc với Cơ quan
dự án nghiên cứu phòng thủ tiên tiến (DARPA) để trang bị cho B1 tên lửa
chống hạm tầm xa. Nhờ đó, máy bay ném bom này có thể phát hiện các tàu
trên biển và phóng tên lửa từ cách đó hàng trăm km. Hồ sơ ngân sách của
Lầu Năm Góc cũng cho thấy, B1 sẽ được cải tiến hàng loạt trong ít năm
tới để nâng cao khả năng tác chiến.
Thái An (theo Washington Post, USA Today)