Một cuộc cải tổ lớn trong hàng ngũ sĩ quan cấp cao quân đội Trung Quốc (PLA) đã thu hút sự chú ý cũng như những đồn đoán về tình hình quốc phòng của nước này. 

Theo tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc), ít nhất 14 sĩ quan cấp cao đã được thăng chức hay điều chỉnh vị trí trong tháng 7, trước dịp kỷ niệm 85 năm thành lập PLA. Việc thay đổi nhân sự diễn ở ở các phân khu khác nhau như Lan Châu, Thành Đô và Quảng Châu.

Có thêm nhiều sĩ quan ở độ tuổi 50 được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng. Một số người cho rằng, sự cải tổ lớn này diễn ra là để phù hợp với yêu cầu quân sự hiện nay của Trung Quốc, song tướng Lạc Nguyên thuộc Viện Khoa học quân sự Trung Quốc nói đây là “thay đổi bình thường” thường diễn ra vào khoảng tháng 8. 


Quân đội Trung Quốc đang có thay đổi lớn về nhân sự cấp cao. Ảnh: csmonitor

Thời báo Hoàn cầu cho hay, trong sự cải tổ lần này, có hai nhân vật xuất phát từ lực lượng hải quân thu hút nhiều chú ý.

Vương Đặng Bình, cựu chính uỷ Hạm đội Bắc Hải (NSF) của Hải quân Trung Quốc nay trở thành chính uỷ Hạm đội Nam Hải (SSF). Sự bổ nhiệm này khiến nhiều người đặt nó trong mối liên kết với những cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng ở Biển Đông. 

Ở kỳ họp quốc hội và hội nghị hiệp thương Trung Quốc hồi tháng 3, Vương tuyên bố: “Hải quân của chúng ta hoàn toàn không thể, và tuyệt đối không cho phép lãnh thổ hao mòn, huống hồ mất đi”. Vị này nhấn mạnh “chúng tôi có quyết tâm, khả năng và các giải pháp”. 

Theo Lí Tiết, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Hải quân Trung Quốc, vị trí mới của Vương là phù hợp với tình hình hiện nay. Theo Lí, với những kinh nghiệm phong phú ở nhiều vị trí và các khả năng cá nhân mạnh mẽ, Vương “thích hợp hơn” trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, vị trí cũ của Vương do Bạch Ôn Kỳ - cựu chính uỷ lực lượng không quân của NSF đảm nhận. Là cán bộ quân sự cấp cao đầu tiên của NSF có nền tảng hải quân, Bạch được xem sẽ đóng một vai trò quan trọng sau khi tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, Varyag, đi vào hoạt động trong tương lai.

Trung Quốc hiện tại đang có những tranh chấp gay gắt với các nước trong khu vực về chủ quyền ở một số vùng biển, đặc biệt là Biển Đông. Để thực hiện yêu sách chủ quyền bao trùm hầu như toàn bộ vùng biển (kể cả những ranh giới lượn sát bờ biển nước khác), Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt hành động mà thượng nghĩ Mỹ John McCain mô tả là “khiêu khích không cần thiết” và gây căng thẳng trong khu vực. 

Thái An