- Với người dân Việt Nam, Trường Sa mang một khái niệm khác về biển. Sóng không dịu êm mà dậy vang. Gió không mơn man mà rám vị mặn. Triển lãm ảnh Trường Sa của Vũ Anh Tuấn (8-14/8) tại Hà Nội mang đến cho họ những trải nghiệm mà họ muốn nhưng chưa biết bao giờ được trải qua.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Vũ Anh Tuấn đã chuẩn bị “cây súng” tốt nhất để mang đến Trường Sa - chiếc D700 mẫu máy gần như mới nhất của Nikon. Cùng với đó là lòng yêu những người lính đảo - thứ tình yêu có trước cả khi anh đặt chân lên phần đất thiêng luôn đón sóng gió của Tổ quốc. Thời gian trên đảo cũng không nhiều, bởi thuyền chở người ra từng đảo nhỏ chỉ mang nặng từng mười người một. Thế nên thời gian đã ngắn lại càng ngắn hơn, thách thức anh.

Chủ quyền

Xuyên suốt triển lãm là một Vũ Anh Tuấn kỹ thuật chắc tay với cái nhìn khá trầm và không phô diễn. Một làn nước sóng sánh với chú vịt thản nhiên bơi. Những hạt nước rơi xuống từ dây thừng trông như rèm nước. Dù ít thời gian, anh vẫn cố gắng chau chuốt cho từng chi tiết cuộc sống Trường Sa. Dường như, anh đã chọn cảm xúc lạc quan, cái nhìn đôn hậu, tiết tấu chậm làm cảm hứng chủ đạo cho mình.

Bờ biển trong chiều vàng

Những bức ảnh quan trọng nhất trong bộ ảnh của anh, cũng là điều người xem yêu hơn cả là những khoảng khắc đời thường của người lính trên đảo. Một nụ cười chiến sĩ chân thành. Một trận tắm đã đời trên đảo sau khi tích đủ nước ngọt nhờ mưa. Một lời thì thầm của người hậu phương ra thăm đảo bên tai anh lính. Góc ảnh không lạ nhưng sự chân thành và chân thực khiến người xem rưng rưng. Lòng thương mến giữa người ở và người ra đảo vốn đã được truyền tai như truyền thuyết giờ hiện cả là đây - trên mỗi tấm hình. Trường Sa ở đây, rất thật!

Chuyện của hai người

“Nếu có thể đến Trường Sa thì phải đi ngay. Bởi tiền có thể đưa bạn tới nhiều nơi, nhưng Trường Sa thì không”, một nhà báo của TTXVN tâm sự. Chính vì thế, khi cả nước đang dõi theo từng điểm nhỏ trên tấm bản đồ, từng biến động nhỏ trong xung đột Biển Đông thì việc nhìn thấy Trường Sa mới nhất ra sao là nhu cầu không chỉ của nhận thức. Chuyến đi hồi tháng 4 của Vũ Anh Tuấn đáp ứng nhu cầu đó của công chúng.

Lộng gió Trường Sa

Trường Sa còn nguyên độ nóng mà Vũ Anh Tuấn mang về đẹp hơn, đáng mong chờ hơn trong những ngày cả nước đang bày một cuộc cờ để giữ Trường Sa. Cuộc cờ này cũng có trong một ẩn dụ ảnh của anh. Tác phẩm có tiền cảnh là bàn cờ đang bày, đằng xa là con thuyền của người lính biển.

Bày sẵn ván cờ

Trường Sa đó cũng can trường hơn, đanh thép hơn trong từng tiếng sóng, từng dáng đứng của những chiếc cột bê tông chĩa thẳng lên gần bờ. Nếu sự liên tưởng vốn đa dạng thì những bài học lịch sử Bạch Đằng đã khiến liên tưởng của người xem chỉ có thể là chiến thắng ấy trên bãi học năm nào, khi chúng ta đánh bại những cuộc xâm lăng lớn. Bức ảnh chụp (phần rất nhỏ) bãi cọc gợi nhiều hơn là tả đã chạm được vào lòng yêu nước thầm kín của nhiều người. Từ lòng yêu những rèm nước, những màu biển, tới lo lắng trong cuộc cờ Biển Đông, ảnh Trường Sa của anh dẫn người xem đến niềm tự hào vô bờ bến về quốc gia muôn đời yêu độc lập tự chủ. Lòng tự hào ấy vốn có sẵn, chạm vào bức ảnh của anh trỗi dậy mạnh mẽ.

Lưu luyến phút chia tay

Ảnh của Vũ Anh Tuấn nóng trên các trang mạng xã hội từ khi còn chuẩn bị hậu trường. Những bức ảnh chủ quyền với lá cờ kích thước dung dị đã lan đi trên mạng theo cấp số nhân. Bởi công chúng đang dõi theo từng hơi thở nơi biển đảo Trường Sa. Và Vũ Anh Tuấn mang Trường Sa về gần nữa, ngay khi Trường Sa đã luôn trong tim họ.

NSNA Vũ Anh Tuấn hiện công tác tại báo Nhân Dân. Cuối tháng 4 vừa qua, anh có chuyến công tác ra quần đảo Trường Sa. Hàng nghìn bức ảnh anh chụp đã ghi lại biển trời quê hương cùng những người chiến sĩ ngày đêm vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc.

Bộ ảnh 68 tác phẩm được lựa chọn ra để thực hiện triển lãm cá nhân đầu tiên của NSNA Vũ Anh Tuấn, thể hiện ý thức, tình cảm một công dân, một nghệ sĩ, hướng về phần không thể tách rời của Tổ quốc, của dân tộc, con người Việt Nam.


Kiều Trinh - Ảnh: Vũ Anh Tuấn