- Thảo luận dự thảo luật Quản lý thuế sửa đổi sáng nay (15/8), Thường vụ QH thống nhất biện pháp xử lý việc chậm nộp tiền thuế, xử phạt hành vi khai sai.

Theo đó, người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức lũy tiến: 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm không quá 90 ngày, 0,07% nếu quá thời hạn 90 ngày.

Ảnh: Minh Thăng

Về việc kiểm tra hồ sơ hoàn thuế, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết cơ quan thuế sẽ phân loại: những đối tượng rủi ro cao sẽ kiểm tra trước, hoàn thuế sau. Chỉ những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về thuế, đạt tín nhiệm cao mới được hoàn thuế trước.

UB Tài chính - Ngân sách đề nghị quy định chặt chẽ hơn với 4 trường hợp rủi ro cao: cơ sở kinh doanh kê khai lỗ lũy kế hai năm liên tục hoặc có số lỗ vượt quá vốn điều lệ; cơ sở kinh doanh bất động sản, kinh doanh thương mại, dịch vụ; cơ sở kinh doanh thay đổi địa điểm kinh doanh trong vòng 12 tháng; cơ sở kinh doanh có sự thay đổi bất thường giữa doanh thu tính thuế và số thuế được hoàn trong giai đoạn 12 tháng.

Với các trường hợp này, thời hạn kiểm tra là không quá 1 năm, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế. Các trường hợp khác, thời hạn kiểm tra là không quá 3 năm.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lưu ý nên luân phiên để có nhiều doanh nghiệp được kiểm tra, không để lọt. Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc còn cho rằng cần xử lý nghiêm cả những cán bộ ngành thuế có hành vi tiêu cực, tiếp tay cho doanh nghiệp, cá nhân trốn thuế.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh xây dựng pháp luật về thuế phải cân bằng giữa hai mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi cho người đóng thuế, người thu thuế; đồng thời tăng cường kiểm soát, hạn chế gian lận về thuế.

Luật Quản lý thuế sửa đổi sẽ được trình QH tại kỳ họp tháng 10 tới và dự kiến có hiệu lực từ 1/7 năm sau.

Thảo luận dự án Luật dự trữ quốc gia cũng trong sáng nay, đa số ý kiến trong Thường vụ QH yêu cầu xác định mục tiêu dự trữ quốc gia một cách đúng bản chất và tập trung là phòng, chống và khắc phục những bất trắc, hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh. Việc "tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần bảo đảm an sinh xã hội" theo nhiều ý kiến là dễ dẫn đến dàn trải, thiếu hiệu quả.

Theo Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội, đảm bảo trợ giúp dân kịp thời trong những tình huống khẩn cấp cũng chính là một khía cạnh của bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy vậy, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng cần cân nhắc mục tiêu "bình ổn giá" vì trong những tình huống khẩn cấp, dễ có tình trạng đầu cơ, tích trữ để bán giá cao trong bối cảnh khan hiếm hàng hoá.

Luật dự trữ quốc gia cũng sẽ được trình QH tại kỳ họp tháng 10 tới.

Chung Hoàng