- Các cuộc biểu tình chống Tổng thống Hosti Mubarak bước sang tuần thứ ba đang đẩy Mỹ vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Washington dường như bị kẹt trong cuộc đọ sức giữa phong trào đối lập đòi tự do, dân chủ với một chính phủ vốn là đồng minh thiết yếu trong chiến lược Trung Đông của Mỹ.
Theo một nguồn tin hôm 7/2 chưa được xác nhận từ báo mạng của Spiegel (Đức), các cuộc đàm phán tích cực đang diễn ra giữa các quan chức Ai Cập, Mỹ và
Đức nhằm thu xếp để ông Mubarak được chuyển đến điều trị tại một bệnh viện sang
trọng ở miền tây nam nước Đức trong một ngày gần đây. Việc ông Mubarak vốn đã
cao tuổi, lại đang bị ung thư được coi là một “chứng cớ ngoại phạm” lý tưởng để
cánh quân đội vừa không phải áp dụng các biện pháp đặc biệt “bứng” ông ra khỏi
chiếc ghế tổng thống, vừa đáp ứng được các yêu cầu của phe đối lập.
Ngày 6/2
trước đó, Tổng thống Barack
Obama tuyên bố tình hình tuy đang lắng dịu nhưng đất nước Ai Cập sẽ không trở
lại như cũ, khi người dân đang muốn tự do và bầu cử công bằng. Tuy nhiên, trên
đường phố Cairo đã rộn lên nhiều khẩu hiệu chống Mỹ, vì những người biểu tình
cho rằng Mỹ đã dịu giọng chuyển sang ủng hộ sự chuyển giao tiệm tiến, thay vì có
lập trường “kiên quyết” như tuần trước, đòi Tổng thống Hosni Mubarak, 82 tuổi, sau “ba thập kỷ ngự trên ngai vàng”, phải chuyển
giao quyền ngay lập tức.
Cập nhật các diễn tiến mới nhất
Ngày 7/2, lần đầu tiên trong hai tuần qua, năm lực lượng đối lập đã thành lập một ban lãnh đạo thống nhất để đưa các yêu sách lên chính phủ, trong đó có đòi hỏi Tổng thống Mubarak phải ra đi. Cũng lần đầu tiên từ nửa thế kỷ nay, ngày 6/2, chính quyền Ai Cập và phong trào đối lập, trong đó có Huynh đệ Hồi giáo (MB), một tổ chức cực đoan, không thân thiện với Mỹ, bài Do Thái, đã bắt đầu đàm phán công khai. Các đảng khác như đảng Tự do Wafd, phong trào thanh niên sinh viên 25/1, một số doanh nhân cũng được mời tham gia cuộc tham khảo ý kiến do Phó Tổng thống Omar Souleiman chủ trì.
Ảnh: AP
Mặc dù cuộc “đối thoại lịch sử” đã được
mở ra nhưng phong trào phản kháng vẫn tiếp tục. Trước thái độ bám trụ của Tổng
thống Mubarak, những người biểu tình tiếp tục cố thủ tại quảng trường Tahrir
(Giải phóng). Sáng 8/2, một cơ quan của chính quyền tại quảng trường này đã bị
người biểu tình bao vây không cho công chức vào làm việc. Những người biểu tình
nói họ sẽ không rời quảng trường, chừng nào ông Mubarak chưa từ chức và các đòi
hỏi khác của họ chưa được đáp ứng. Chính phủ hứa sẽ tăng lương cho người về hưu, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho
công chức và mở các cuộc điều tra độc lập liên quan đến những vụ xô xát đổ máu
trong hai tuần qua.
Để thấy rõ biến chuyển trong tương quan lực lượng giữa chính quyền và các lực lượng khác nhau trong phe đối lập tại Ai Cập, chỉ cần xem truyền hình nhà nước. Các nhà báo thân chính phủ không che giấu được sự bối rối khi đối diện với những người biểu tình từ quảng trường Tahrir tới đài truyền hình để trả lời phỏng vấn.
Nhưng đàm phán chỉ mới bắt đầu. Phong trào MB nhấn mạnh đến sự kiện “mới bắt đầu” này và giải thích rằng cần phải có thời gian để đánh giá thái độ “cởi mở” của chính quyền. Chế độ độc đoán kéo dài nhiều thập niên đã làm xơ cứng sinh hoạt chính trị. Đây cũng là lập trường chung của các tổ chức chính trị thế tục đối lập khác như đảng Tự Do Wafd, đảng cánh tả Xã Hội, phong trào 25/1... Về xã hội công dân, trong cuộc tranh đấu đưa Ai Cập vào con đường dân chủ, họ dứt khoát đòi lật đổ Mubarak.
Chính phủ đang tìm cách khôi phục lại nền kinh tế, theo ước tính, đang mất đi ít nhất 310 triệu đô la mỗi ngày. Nhiều nhà máy, cửa hàng và sàn chứng khoán đã đóng cửa nhiều ngày, thực phẩm và các nhu yếu phẩm đang dần cạn. Trong khi đó, nhiều ngân hàng mở cửa lại, người xếp hàng dài dằng dặc chờ rút tiền. Nhiều người dân nay chỉ trông mong cuộc sống quay trở lại bình thường. Thế nhưng cuộc biểu tình tại quảng trường Tahrir vẫn còn rầm rộ, với không khí mang màu lễ hội, khi nhiều gia đình mang cả trẻ nhỏ tới tham gia.
Mỹ, quân đội Ai Cập và MB đều thận trọng
Trong khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Ai Cập chưa chấm dứt, Mỹ và các nước phương Tây đã bày tỏ thái độ nước đôi hết sức thực dụng. Tuyên bố ủng hộ các phong trào biểu tình đòi tự do, dân chủ nhưng cũng chưa kiên quyết yêu cầu Tổng thống Mubarak phải từ chức ngay lập tức. Khi chiều hướng các cuộc biểu tình chưa rõ ràng, Mỹ và phương Tây dường như vẫn còn lúng túng và đang cố thoát ra khỏi thế “mắc kẹt” gữa Tổng thống Mubarak và các lực lượng đối lâp.
Những ngày đầu biểu tình, ngoại trưởng Hillary Clinton kêu gọi chính phủ Mubarak chấm dứt hành vi bạo lực chống lại những người biểu tình và “giao tiếp ngay” với nhân dân để cải tổ. Bà cũng kêu gọi chính quyền Ai Cập nên đảo ngược quyết định ngăn chặn các nguồn thông tin, bao gồm điện thoại di động, Internet và các trang mạng xã hội. Ngày 28/1, Mỹ dọa sẽ cắt giảm viện trợ cho Ai Cập trị giá 1,5 tỷ USD/năm, trong đó có cả viện trợ quân sự.
Cũng trong này 28/1, Tổng thống Barack Obama kêu gọi ông Mubarak có những bước đi cụ thể theo hướng cải cách chính trị, không dùng bạo lực đối với người biểu tình, hiện thực hóa các cam kết mà ông Mubarak đã đưa ra trong bài diễn văn trước người dân Ai Cập về những cải cách dân chủ và kinh tế. Chỉ sau đó mấy ngày, ông Obama đã phát biểu gây sốc khi đòi ông Mubarak phải ra đi, ngay lập tức.
Nhưng đến phát biểu trên truyền hình Fox News hôm chủ nhật 6/2, Tổng thống Obama lại đổi giọng: “Mỹ sẽ không ép buộc ông Mubarak điều gì mà chỉ khuyên ông là đã tới lúc ông cần bắt đầu thay đổi trong nước". Khi được tin các giới chức chính phủ nói rằng ông Suleiman và các nhà lãnh đạo được sự hậu thuẫn của quân đội Ai Cập đang tìm kiếm phương cách để Tổng Thống Mubarak có thể rút lui một cách êm thấm thì bà ngoại trưởng Clinton tỏ đồng tình: “Ðây là điều cần thời gian. Có nhiều việc phải làm để đạt được một sự chuẩn bị kỹ lưỡng”.
Thông điệp bà Clinton đưa ra, được sự hỗ trợ của Thủ tướng Ðức Angela Merkel và Thủ tướng Anh David Cameron, đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong lập trường của Mỹ tuần qua, khi trước đó, Tổng thống Obama, trước các cuộc bạo động gia tăng ở Cairo, nhất định đòi Tổng thống Mubarak phải có thay đổi mạnh mẽ và ngay lập tức, kể cả việc từ chức.
Yêu cầu ông Mubarak từ chức đến từ nhiều giới, trong đó có những thành viên của chế độ - đặc biệt là quân đội - những người coi việc Mubarak không cho phép họ điều khiển quá trình chuyển giao quyền lực là nguy hiểm cho chế độ. Đối với quân đội, các cuộc biểu tình hai tuần nay vừa là nguy cơ vừa là cơ hội. Nguy cơ, nếu biểu tình vượt khỏi tầm kiểm soát. Cơ hội, nếu biểu tình đủ mạnh để buộc Mubarak từ chức, cho phép thay thế bởi Omar Suleiman, trùm tình báo vừa được Mubarak bổ nhiệm làm Phó Tổng thống, và do đó được cứu chế độ.
Các phương tiện truyền thông phương Tây có xu hướng coi các cuộc nổi dậy đường phố ở Ai Cập hiện nay như một phong trào đòi hỏi tự do, dân chủ. Chắc chắn có nhiều người mong muốn và đòi hỏi điều này. Nhưng các quyền lợi của nông dân, công nhân và các thương nhân Ai Cập trong những cuộc biểu tình vừa qua có nguồn gốc sâu xa từ tình trạng kinh tế - xã hội Ai Cập nhiều hơn là với những nguyên tắc của nền dân chủ, tự do theo kiểu phương Tây.
Ẩn số quan trọng khác trong cuộc nổi dậy lần này là phong trào MB. Phần lớn giới quan sát nhất trí rằng MB lúc này không còn là một phong trào cực đoan và yếu ớt. Phong trào này giờ đây đã có thể ảnh hưởng lớn đến chiều hướng của tình hình. Nhưng MB có nhiều nhánh, trong đó có những nhánh đã “tắt tiếng” sau khi bị Mubarak đàn áp. Và tới đây chưa rõ ràng là nhánh nào sẽ nổi lên một khi Mubarak đổ. Chắc chắn phong trào MB không yếu hơn những người biểu tình dân chủ.
Sẽ là sai lầm khi cho rằng sự thận trọng của MB là do thế của họ yếu hơn các lực lượng đối lập khác. Có thể là họ đang chờ một thời điểm tốt hơn và chưa bộc lộ hết các quan điểm thật của mình, đợi đến khi việc “truyền ngôi” của Mubarak sẽ cung cấp cơ hội cho họ. MB có khả năng ảnh hưởng trong quần chúng Ai Cập lớn hơn những người biểu tình ngả về phương Tây hay Mohamed ElBaradei, người đang nổi lên như một lãnh đạo mới của phong trào.
Trước một cuộc đấu tranh mới khai sinh nhưng chưa đặt được tên vì có quá nhiều phe phái có thể gây ảnh hưởng, điều dễ hiểu là tất cả các lực lượng, dù gián tiếp hay trực tiếp, đều thận trọng và chưa ngả hết các con bài. Nước Mỹ chưa thể quên biến cố Kỷ Mùi 1979, khi hy sinh một đồng minh là Quốc vương Reza Pahlavi để lãnh đủ một kẻ thù là Hồi giáo cực đoan khác ở Tehran. Hoặc khi Mỹ yểm trợ phong trào kháng chiến Afganistan để làm cho Liên Xô suy yếu thì hóa ra lại nuôi ong tay áo, đó là cái nôi sinh ra Al Qaeda, tác giả vụ khủng bố 9/11.
Hoàng Dũng
Nhân