Khi khu vực trở nên thịnh vượng hơn,
thì vấn đề chủ quyền lại càng phức tạp. Tranh chấp không chỉ liên
quan tới sự tự tôn về mặt lịch sử, mà còn là các vấn đề tối quan trọng khác như
vận chuyển thương mại, quyền đánh bắt cá, các nguồn khoáng sản. Và không nơi nào lại căng thẳng hơn vùng
tranh chấp ở Biển Đông.
Tác giả James Webb, thượng nghị sĩ, là một trong những tác giả của nghị quyết về Biển Đông mới được Thượng viện Mỹ thông qua.
Ảnh: foreignpolicy
Hai năm qua, Nhật Bản và Trung Quốc đã công khai tranh cãi về quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nhật nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền; Nga và Hàn Quốc tái khẳng định chủ quyền cạnh tranh với Nhật ở vùng biển phía bắc; Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á cùng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông...
Ngày 21/6, Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" với trụ sở trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc gọi đảo này là Vĩnh Hưng, hòn đảo thưa thớt dân cư và khan hiếm nước ngọt, nhưng lại có đường băng (có thể sử dụng cho mục tiêu quân sự), bưu điện, nhà băng và bệnh viện.
Khả năng xảy ra xung đột từ động thái ngang nhiên lập "Tam Sa" của Trung Quốc đã lan ra ngoài phạm vi Hoàng Sa. Trong 6 tuần qua, không ít nước chỉ trích việc Trung Quốc để "Tam Sa" có phạm vi quản lý không chỉ với Hoàng Sa mà còn với hầu như toàn bộ Biển Đông. Theo Tân hoa xã, "thành phố mới có phạm vi quản lý với hơn 200 đảo và 2 triệu km vuông mặt nước ở Biển Đông". Để củng cố toan tính này, "Tam Sa" có hội một hội đồng lập pháp tới 45 người, có thị trưởng, phó thị trưởng cùng 15 thành viên ủy ban thường vụ.
Chưa hết, ngày 22/7, Quân ủy Trung Quốc tuyên bố sẽ triển khai một đơn vị đồn trú ở "Tam Sa". Ngày 31/7, Trung Quốc tuyên bố chính sách mới để "tuần tra thường xuyên sẵn sàng chiến đấu" ở Biển Đông. Và thậm chí, một tập đoàn nhà nước Trung Quốc còn mời thầu thăm dò dầu khí ở khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam được quốc tế công nhận.
Hành xử TQ và ý chí Mỹ
Trung Quốc đã đơn phương quyết định thôn tính một khu vực lớn mở rộng về phía đông của lục địa Đông Á mà xa thì kéo tới tận Philippines, gần thì tới phía nam như eo biển Malacca. "Thành phố mới" của Trung Quốc gần như lớn gấp đôi một khu vực rộng lớn gồm cả Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản và Philippines cộng lại. "Hội đồng lập pháp của thành phố ấy" sẽ báo cáo trực tiếp lên chính quyền trung ương.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 3/8 đã chính thức bày tỏ quan ngại về "cái gọi là Tam Sa cũng như việc Trung Quốc thiết lập một đơn vị đồn trú mới" ở khu vực tranh chấp Biển Đông. Tuyên bố đưa ra thể hiện chính sách lâu dài của Mỹ khi kêu gọi giải quyết tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế và không sử dụng vũ lực.
Cho dù vậy, Trung Quốc phản ứng rất giận dữ, cảnh báo quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ "đã gửi đi thông điệp sai lầm nghiêm trọng". Nhân dân Nhật báo cáo buộc Mỹ "đổ dầu vào lửa, kích động chia rẽ, cố ý tạo ra sự đối kháng với Trung Quốc". Phiên bản nước ngoài của tờ báo này còn khẳng định, đây là lúc Mỹ cần "ngậm miệng".
Trên thực tế, Mỹ đã khẳng định chính sách tôn trọng vấn đề chủ quyền ở vùng biển châu Á - Thái Bình Dương, và không đứng về phía nào trong tranh chấp. Các quốc gia nhỏ hơn, yếu hơn trong khu vực này luôn kêu gọi sự tham gia quốc tế rộng lớn hơn. Trung Quốc trong khi đó khăng khăng cho rằng, vấn đề cần phải giải quyết song phương. Nghĩa là bằng sức mạnh trỗi dậy của mình, họ có thể "ép" nước khác đi theo các điều khoản của chính họ.
Mỹ, Trung Quốc và toàn bộ Đông Á giờ đây đang đối diện với một thực tế không thể né tránh. Tranh chấp chủ quyền mà các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình là một mặt. Và các hành động trắng trợn ngang nhiên lại là phương diện hoàn toàn khác hẳn. Giải quyết thách thức này thế nào sẽ có ảnh hưởng quan trọng không chỉ với Biển Đông, mà còn với sự ổn định của Đông Á và tương lai quan hệ Mỹ - Trung.
Lịch sử dạy chúng ta rằng, khi các hành động gây hấn đơn phương diễn ra mà không có phản ứng, thì mọi sự sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Trong khi sự chú ý của Mỹ đang cuốn hút vào chiến dịch bầu cử tổng thống, thì cả Đông Á đang dõi theo những gì Mỹ sẽ làm trước hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Họ biết về một phép thử khi họ chứng kiến một động thái. Họ chờ đợi xem liệu Mỹ còn theo đuổi vai trò "bất tiện" nhưng "cần thiết" là người bảo đảm cho sự ổn định ở Đông Á hay khu vực này sẽ lần nữa chứng kiến sự thống trị của những hành xử hiếu chiến và đe dọa.
Người Trung Quốc năm 1931 - khi Nhật Bản thành lập nhà nước Mãn Châu Quốc sau khi chiếm 3 tỉnh Đông Bắc Trung Quốc - đã thấu hiểu mối đe dọa này và trải qua hậu quả khi cộng đồng quốc tế thất bại trong giải quyết vấn đề. Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc của 2012 có thực sự muốn giải quyết vấn đề thông qua các chuẩn mực quốc tế được chấp thuận, liệu một nước Mỹ của 2012 có ý chí và khả năng để khẳng định rằng, cách tiếp cận này là con đường duy nhất hướng tới sự ổn định.
Thái An (theo Wall Street Journal)