- Chuyện bác sĩ Trung Quốc bỏ trốn sau khi gây ra cái chết của bệnh nhân tại phòng khám Maria được ĐBQH nêu trong phiên chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền sáng nay như dẫn chứng nóng hổi cho việc buông lỏng quản lý lao động bất hợp pháp người nước ngoài.

Đặc biệt, thông tin về tỷ lệ trên 50% lao động được cấp phép, gần 50% lao động có trình độ ĐH và trên ĐH đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về việc cơ quan nhà nước quản chưa chặt, thống kê chưa chuẩn.

Trên 50% được cấp phép

Vừa tiến hành giám sát về chủ đề này, nên mở đầu phiên chất vấn, ông Bùi Sĩ Lợi Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội QH nêu nghi vấn: “Báo cáo của Chính phủ là cả nước có 77 ngàn lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam là con số “có vấn đề”.

Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền

Bởi qua giám sát, ông Lợi nhận thấy hầu như địa phương không nắm được con số chính xác. Chỉ cấp phường, xã mới thống kê, còn lên tới các cấp chính quyền cao hơn thì không có cơ quan nào tổng hợp.

“Vậy giải pháp nào để ngành công an và chính quyền địa phương quản lý tốt đối tượng này?”, ông Lợi hỏi.

Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cung cấp thông tin, cả nước có hơn 78 nghìn lao động nước ngoài, tăng 6% so với năm 2011. Trong đó, có hơn 41 nghìn người (trên 50%) được cấp phép.

Quốc tịch cũng rất đa dạng, trong đó các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc… chiếm 58%.

Cũng theo ông Lâm, có tới 48% lao động có trình độ ĐH và trên ĐH, số nghệ nhân chiếm 17,6% và gần 25% có chứng chỉ chuyên môn.

Thứ trưởng Công an cũng thừa nhận một số bất cập trong quản lý lao động nước ngoài mà báo chí và ĐBQH đã nêu. Tuy nhiên, sự xuất hiện của đối tượng lao động mới này ở Việt Nam xuất phát từ thực tiễn phát triển kinh tế, đó là nhiều dự án do nhà thầu nước ngoài thực hiện nên họ đưa lao động sang. Chưa kể một tỷ lệ lớn lao động lách luật bằng đường du lịch.

Chính phủ đã có nhiều giải pháp chấn chỉnh, nhưng việc thực hiện vẫn chưa nghiêm, sự phối hợp giữa các cơ quan chưa nhịp nhàng. Chưa kể, nhiều văn bản còn sơ hở khiến người lao động dễ lách luật.

Ông Lâm cũng “bác” ý kiến ĐB Lợi là cấp dưới quản chặt, cấp trên buông lỏng bởi theo ông, ngành công an đã phân cấp rất triệt để.

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi


Chưa hài lòng với phần giải trình, ông Bùi Sĩ Lợi đứng lên “truy”: “Gần 50% lao động trình độ ĐH, trên ĐH là không chính xác”. Thực tế đa phần là lao động phổ thông. Độ tuổi lao động cũng đang còn trẻ nên không thể có tới gần 20% là nghệ nhân.

“Chúng ta nói là nắm được số lao động nước ngoài nhưng tại sao khi xảy ra chuyện bệnh nhân ở phòng khám Maria chết, bác sĩ Trung Quốc bỏ trốn thì cơ quan nhà nước nói chỉ quản được 40 bác sĩ?”, ông Lợi nói.

Nhiều ĐB khác (Nguyễn Bá Thuyền, Trần Du Lịch, Huỳnh Văn Tiếp…) cũng nghi ngờ con số thống kê tỷ lệ lao động bất hợp pháp. Ông Thuyền cho rằng, chỉ cần lên các công trường bô-xit sẽ thấy tỷ lệ lao động phổ thông đang chiếm phần lớn. ĐB Trần Du Lịch thì đặt câu hỏi, liệu các bộ đã đi kiểm tra thử ở các công trường xây dựng, nhà máy nhiệt điện chưa?

Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cũng đứng lên “truy” trách nhiệm buông lỏng quản lý thuộc bộ nào. Theo ông, sự xuất hiện của lao động nước ngoài ở những địa bàn phức tạp về an ninh là chuyện cần xem xét kỹ. Bộ Công an thừa nhận là quản lý khó còn Bộ Lao động đang nghiên cứu các văn bản hướng dẫn thi hành luật Lao động sửa đổi (2013 mới có hiệu lực).

Quản chưa chặt

Bà Phạm Thị Hải Chuyền vắn tắt, ngành lao động đã làm đúng chức năng là tiếp nhận đăng ký và chỉ cấp phép cho lao động đủ điều kiện.

Bà cũng thừa nhận đang có nhiều quy định bất cập khiến lao động dễ lách luật, chẳng hạn quy định về miễn cấp phép cho lao động dưới ba tháng, hoặc DN nước ngoài sau một thời hạn nhất định không tuyển được lao động địa phương thì được phép đưa công nhân sang. Nhiều tỉnh thành như Đồng Nai, Khánh Hòa đã kiên quyết xử lý lao động bất hợp pháp. Sắp tới, những bất cập này sẽ được khắc phục khi ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật Lao động sửa đổi.

“Quản lý nhà nước cũng chưa được chặt… Chúng tôi sẽ dứt khoát tìm giải pháp giải quyết cho lao động phổ thông. Tới đây sẽ phải xử lý nghiêm hơn”, Bộ trưởng Chuyền nói.

Trước quá nhiều truy vấn về tính xác thực của con số thống kê lao động bất hợp pháp, bà Chuyền khẳng định, trách nhiệm quản lý đã giao cho các tỉnh và con số này từ tỉnh mà lên. Bộ Lao động cũng đã đi kiểm tra và phát hiện tỷ lệ này rơi vào số lao động phổ thông.

Cuối phiên chất vấn, Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nói thêm, việc quản lao động nước ngoài còn chưa nghiêm, đơn vị sử dụng còn đối phó. Ngoài ra, nhiều quy định pháp luật lại trong tình trạng chờ đợi.

Ông Lâm cũng nhận trách nhiệm quản lý chung thuộc ngành công an, nhưng các bộ chuyên ngành cũng cần phối hợp tốt hơn. Từ đầu năm đến nay, an ninh đã trục xuất 256 lao động trái phép.

Lê Nhung - Ảnh: Quang Khánh