Tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc về nhóm đảo ở biển Hoa Đông đang leo thang. Điều gì đứng sau tranh chấp này? Tại sao nhóm đảo lại quan trọng đến vậy?

Tranh chấp rất có thể gia tăng đáng kể vào những năm tới đặc biệt kể từ khi Mỹ - siêu cường quân sự thế giới - tuyên bố hướng mục tiêu chính sách đối ngoại tới châu Á.

Ngoài Trung Quốc và Mỹ, những người chơi kỳ cựu như Nhật Bản hay Nga cũng khó có thể ngồi yên khi cuộc chiến tài nguyên thiên nhiên và vị trí chiến lược của thế giới cũng như nỗ lực tìm kiếm các vị trí quyền lực trở nên khốc liệt hơn.


Các nhà hoạt động của Nhật đến đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Getty Images

Chủ quyền với quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư còn Nhật gọi là Senkaku là tâm điểm tranh chấp âm ỉ kéo dài giữa hai nước. Quần đảo này hiện nằm dưới sự quản lý của Nhật. 

Chủ quyền lãnh thổ có thể minh chứng hấp lực rất lớn với Trung Quốc và mở ra những đặc quyền kinh tế với hàng chục nghìn km vuông đáy biển giàu trữ lượng dầu khí cũng như nguồn cá. Vấn đề chủ quyền trở thành tâm điểm tranh cãi gay gắt thời gian gần đây kể từ khi việc quản lý nhóm đảo chuyển từ Mỹ sang Nhật năm 1972. Tuy nhiên, tranh cãi về việc ai chịu trách nhiệm với quần đảo này thậm chí còn được trích dẫn các bằng chứng từ thế kỷ 15. 

Cuộc “đấu khẩu” mới nhất giữa Trung Quốc và Nhật Bản bắt đầu từ việc Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara tuyên bố kế hoạch mua lại ba đảo trong nhóm đảo tranh chấp nhân danh chính quyền Tokyo. Bốn trong số các đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư thuộc quyền sở hữu tư nhân của một gia đình Nhật hơn 40 năm qua. Ít nhất một đảo trong đó thuộc thẩm quyền của Tokyo.

Việc một nhóm các nhà hoạt động Nhật Bản tới quần đảo tranh chấp những ngày gần đây đã làm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối lớn ở Trung Quốc, giống như những gì đã xảy ra vào năm 2010. Khi ấy, cuộc khủng hoảng ngoại giao Trung - Nhật đã xảy ra khi một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc bị lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật bắt giữ với lý do đã cố tình cho tàu cá đâm vào tàu tuần tra của Nhật. Kết quả là, nhiều cuộc biểu tình lớn đã xảy ra ở một số thành phố Trung Quốc. Sau đó, vị thuyền trưởng được thả tự do.

Trước chuyến cập đảo của nhóm các nhà hoạt động Nhật mới đây, cảnh sát Nhật đã bắt giữ một nhóm các nhà hoạt động người Trung Quốc tới Senkaku/Điếu Ngư từ Hong Kong.

Theo các điều khoản của Hiệp ước Hợp tác và An ninh chung Mỹ - Nhật năm 1960, Mỹ có bổn phận bảo vệ quần đảo này nhân danh Nhật Bản.

Tranh cãi nói trên chỉ là một phần của các hành động mang tính hăm dọa rộng lớn hơn liên quan tới Trung Quốc, và nổi bật hơn cả bởi vị thế của Trung Quốc như một người chơi toàn cầu đang trỗi dậy. Bên cạnh tranh chấp về Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc và Nhật Bản còn liên quan tới một số tranh chấp lãnh thổ khác.

Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông bất chấp nhiều nước khác gồm Việt Nam, Brunei, Philippines và Malaysia cũng khẳng định chủ quyền trong vùng biển này. Đây là vùng biển được tin rất giàu trữ lượng nhiên liệu hoá thạch và có vị trí chiến lược rất quan trọng. 

Nhật thì có tranh chấp với Nga về hai đảo ở cực nam của quần đảo Kuril do Nga quản lý. Nguồn gốc tranh chấp này dưới nhiều dạng khác nhau có thể bắt đầu từ giữa thế kỷ 19 nhưng thời gian cho các tranh chấp chủ quyền hiện đại là từ khi kết thúc Thế chiến II.

Cả hai nước vẫn chưa ký kết một hiệp ước hoà bình.

Trong quá khứ, EU từng kêu gọi trả lại quần đảo về Nhật Bản khiến Nga nổi cơn thịnh nộ. Và 18 tháng qua, lập trường bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Nga trở nên mạnh mẽ hơn với việc tuyên bố kế hoạch triển khai tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại ở quần đảo này

Thái An (theo Channel4)