- Không chỉ đề xuất bỏ HĐND huyện, quận, phường mà tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính quyền địa phương do Bộ Nội vụ và JICA (Nhật Bản) tổ chức hôm nay ở Hà Nội, có đại biểu còn cho rằng nên bỏ cả HĐND ở các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.


“Trong lần sửa Hiến pháp 1992 tới đây, chúng tôi sẽ mạnh dạn kiến nghị không tổ chức HĐND ở huyện, quận, phường”, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Văn Hùng nói tại hội thảo.

Đây sẽ là một trong những đổi mới cần làm để nâng cao hiệu lực hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương. Theo ông Hùng, bỏ HĐND ở các cấp nêu trên nhằm hướng tới tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, phân biệt rõ mô hình quản lý đô thị và mô hình chính quyền nông thôn.

Song song với đề xuất bỏ HĐND ở một số cấp, ông Hùng cũng cho biết, sẽ kiến nghị tăng thêm số phó chủ tịch và đại biểu chuyên trách ở HĐND cấp tỉnh, huyện. Đồng thời nâng cao chất lượng giám sát của cơ quan này, hướng tới việc xây dựng luật Hoạt động giám sát của HĐND.

Ở những nơi bỏ HĐND, sẽ áp dụng cơ chế bổ nhiệm đội ngũ lãnh đạo UBND thay cho cơ chế bầu cử hiện nay. Đồng thời, đổi tên Ủy ban nhân dân thành Ủy ban hành chính. Sẽ phải tính toán lại số phó chủ tịch Ủy ban cho phù hợp với xu thế tăng thẩm quyền cho người đứng đầu cơ quan hành chính ở địa phương.

Trưởng phòng xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ Bình Dương Nguyễn Quốc Dũng: Đề xuất bỏ cả HĐND ở thị xã, thị trấn và thành phố trực thuộc tỉnh. Ảnh: Lê Nhung

Chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng phòng xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ Bình Dương) cho rằng, nên “cắt” luôn cả HĐND ở thị xã, thị trấn và thành phố trực thuộc tỉnh.

“Như vậy mới đảm bảo sự liên thông giữa các cấp. Chức năng chồng chéo, có duy trì sự tồn tại cũng không giải quyết được vấn đề gì”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, vai trò của HĐND cấp tỉnh phải được tăng cường một cách thực chất hơn nữa, đặc biệt làm tốt vai trò giám sát. Có như vậy việc tăng thêm số lượng đại biểu chuyên trách mới có ý nghĩa.

Một vấn đề khác trong hoạt động của chính quyền địa phương cũng cần được sửa đổi mạnh mẽ hơn, đó là câu chuyện phân cấp.

Ông Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ, cấp dưới còn e ngại khi muốn tham mưu cho cấp trên về một số cơ chế, chính sách. Bởi lẽ “đụng” vấn đề gì cũng đưa ra lý lẽ “cái này Trung ương không quy định”, rồi “không thể làm khác quy định chung của Trung ương”… Đây cũng là lý do khiến các thành phố lớn luôn muốn xin “cơ chế đặc thù” còn những tỉnh thành khác đành chịu bó tay.

“Chúng tôi cũng nhiều lần nói với lãnh đạo là nếu như không tham mưu được gì khác ngoài quy định của Trung ương thì không còn có sự sáng tạo, làm hạn chế đi sự chủ động, năng động, nhiệt tình của địa phương”, ông Dũng tâm tư.

Theo ông, đã nói đến phân cấp thì Trung ương nên mạnh dạn giao việc cho địa phương và phải phân định rõ trách nhiệm.

Đề xuất của ông Dũng cũng chính là những nội dung mà đại diện Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) khẳng định đang nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ sớm sửa đổi.

Theo ông Phan Văn Hùng, phải xây dựng cơ chế, hình thức cụ thể trong phân cấp quản lý giữa Trung ương, địa phương. Việc phân cấp phải đảm bảo nguyên tắc: quyền lực nhà nước là thống nhất từ Trung ương tới địa phương song phải đề cao tính tự chủ của địa phương. Có như vậy mới phát huy được lợi thế so sánh, năng lực cạnh tranh của từng địa phương. Thực hiện phân cấp sẽ phải đi kèm với cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho hay, những kiến nghị đề xuất về xây dựng chính quyền địa phương sẽ được nghiên cứu kỹ. Hiện Bộ Nội vụ cũng đang xây dựng đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị để trình Ban cán sự Đảng.

Lê Nhung