- 1989. Chuyến bay chở Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Prague (Czech) đến Ethiopia vừa hạ đáp sau 6-7 giờ bay xảy ra một sự cố. Ngay sau khi bước xuống sân bay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đột nhiên bị choáng. Song không giống mọi lần, máy điện tim đo tại chỗ báo một đường thẳng tắp trên màn hình.
Đại tá Phạm Văn Ngà tại nhà riêng ở Vĩnh Yên. Ảnh: L.Thư |
Bác sĩ Ngà cùng mọi người trong đoàn tháp tùng Đại tướng chuyến thăm châu Phi năm đó "thở phào mà vẫn không hết đau tim". "Ngực mình thoi thóp vì lo. Chưa kịp an tâm, Đại tướng ngay lập tức lao vào công việc. Mình lại căng thẳng để theo ông trong tâm trạng lo sợ nhỡ có sự cố xảy ra" - bác sĩ Ngà kể.
30 năm làm việc cho Đại tướng, vị bác sĩ đã không ít lần đối mặt với tình huống như thế. Nhưng cho đến ngày về hưu, ông tự hào "chưa bao giờ xử lý nhầm lẫn, để xảy ra bất cứ sai sót nào".
Ở tuổi gần 90, vị bác sĩ vẫn nhớ như in "vô vàn kỷ niệm không bao giờ quên" khi giở các bao túi đựng những bức hình chụp chung với Đại tướng. Khi ở Trung Quốc, Liên Xô, khi ở các địa phương, bất cứ đâu trên cả nước, khắp thế giới, mọi tấm hình ghi lại đều thấy bóng dáng ông, tay cầm vali chứa thuốc và đồ y tế, đi và ngồi ngay sát Đại tướng, chỉ cách nhau bước chân.
Bác sĩ Phạm Văn Ngà (người sách cặp đưa sau lưng) trong chuyến công tác cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Trung Quốc năm 1972. Ảnh tư liệu do bác sĩ Phạm Văn Ngà cung cấp |
"Gia tài" ông tiếc không giữ lại được, đó là thùng tư liệu, sổ sách ghi chép nhật ký 30 năm làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không ngày làm việc nào ông không lưu vào sổ đủ tất cả những thông số về thuốc men, từ thuốc tây đến thuốc bắc, thuốc nam, điều trị, hội chẩn các bác sĩ đầu ngành về tình huống sức khỏe của Tướng Giáp. Ông còn cần mẫn ghi vào sổ những đồ ăn, thức uống, thực phẩm dùng trong ngày trong 24 giờ...
Đại tướng đã bảo vệ danh dự cho tôi
Bác sĩ, Đại tá Phạm Văn Ngà gắn với sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong giai đoạn từ 1965 đến 1995. Điều ông tự hào đó là Đại tướng đã luôn tin tưởng ông tuyệt đối trong 30 năm làm việc. Có một nguyên tắc bất di bất dịch là Đại tướng không bao giờ uống thuốc của bất cứ ai đưa, kể cả con cái, trừ bác sĩ Ngà.
Mọi điều trị, hội chẩn, thăm khám của các bác sĩ, ở các bệnh viện trong và ở nước ngoài, Đại tướng luôn tôn trọng nhưng nếu để uống thuốc thì chỉ nhận đơn và thuốc đưa tận tay từ bác sĩ Ngà. Điều đó khiến vị bác sĩ quân y luôn đau đáu và không ngừng trau đồi chuyên môn.
Hàng tháng, thậm chí hàng tuần, ông luôn có các cuộc hội chẩn, trao đổi với các giáo sư đầu ngành của cả nước về kinh nghiệm, kiến thức, thông tin. Cá nhân ông luôn tìm sách chuyên môn để đọc.
Có một câu chuyện ông kể lại khi đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang Liên Xô thăm khám sức khỏe. Mặc cho các bác sĩ nước bạn chăm sóc tận tình, chu đáo, cẩn thận, Đại tướng dứt khoát yêu cầu hai việc: một là kê thêm giường cho bác sĩ Ngà ở ngay cạnh, hai là mọi thăm, khám sức khỏe các bác sĩ Liên Xô Đại tướng luôn tuân thủ, trừ uống thuốc chỉ lấy từ bác sĩ Ngà. Thuyết phục "hết nước, hết cách", cuối cùng các bác sĩ Liên Xô đành phải theo yêu cầu của Đại tướng.
...trong một chuyến công tác CHDC Đức |
Trong lần đi theo Đại tướng và gia đình trong chuyến công tác và nghỉ ở Đà Lạt năm 1976, một tình huống thử thách cả niềm tin và bản lĩnh của bác sĩ Ngà với Đại tướng xảy ra khiến ông vô cùng cảm động. Nơi nghỉ của Đại tướng và con gái Hồng Anh là biệt thự Lệ Xuân. Công tác bảo mật và an ninh nơi đây được chuẩn bị kỹ càng đến mức "con ruồi khó lọt qua".
Nhưng một buổi xảy ra chuyện cô con gái phát hiện khay thuốc chuyển lên cho Đại tướng nhưng ông kiên quyết không uống. Đại tướng thấy lạ vì hộp thuốc chuyển lên không giống như hộp thuốc mà bác sĩ Ngà thường đưa tận tay cho ông. Ông lại đồ là thuốc của con gái nên nhắc con gái uống.
Con gái lại kiên quyết bảo không và giục ông uống cho đúng giờ. Lấy làm lạ, Đại tướng cho gọi bác sĩ Ngà lên hỏi thì vỡ ra đó không phải thuốc bác sĩ Ngà.
"Lúc đó mình tưởng như chết đi vì sợ và lo lắng. May Đại tướng không uống, nếu ông uống và xảy ra chuyện thì mình cũng chỉ có nước là chết" - ông kể đầy kịch tính.
5 ngày trôi qua vẫn chưa tìm ra manh mối cho đến khi về đến Sài Gòn, ông nhận được cú điện thoại từ một người xưng tên Côn - Chỉ huy đội cận vệ lúc ấy báo lại rằng: một người trong đội cận vệ khi đi kiểm tra biệt thự có nhặt được hộp thuốc, rồi để vào khu bếp. Người đầu bếp tưởng hộp thuốc của bác sĩ Ngà vẫn mang lên cho Tướng Giáp dùng nên tiện để vào khay bưng lên.
"Tôi như thoát chết. Đại tướng đã cứu sống tôi, bảo vệ danh dự cho tôi vì ông đã tin tưởng ở cung cách làm việc của tôi" - bác sĩ Ngà nói.
Người anh
Nhắc đến ấn tượng về cốt cách sống và làm việc của Đại tướng, bác sĩ Ngà cho hay trong suốt 30 năm ở bên Đại tướng, sự say mê công việc làm quên ngủ - quên ăn - quên sức khỏe của Đại tướng đã khiến ông từng "đứng ngồi không yên" nhưng trong lòng đầy cảm phục.
Suốt 30 năm công tác, bác sĩ Phạm Văn Ngà luôn sát cánh Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Là bác sĩ, ông có trách nhiệm phải sắp xếp lịch trình làm việc, ăn nghỉ của Đại tướng theo giờ giấc song chưa bao giờ Đại tướng nghỉ việc đúng giờ. Mỗi lần ông nhắc, Đại tướng thường khẽ năn nỉ ông cho xin thêm 10-15 phút nhưng quãng thời gian này thường kéo dài lên 3 tiếng.
Kỷ niệm ông nhớ khi đi Liên Xô năm 1973 là một chuyến đi "gay cấn". Đúng 30 Tết, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô tổ chức tiệc và đón Đại tướng đến dự nhân dịp Đại tướng sang thăm và làm việc nước bạn. Nhưng do làm việc quá sức nên ngay khi vừa đến, Đại tướng bị lịm xỉu, mặt tím tái. Mọi người từ cán bộ, nhân viên, đến con cái, gia đình đi cùng lo lắng. Sau 1 tiếng cấp cứu, Đại tướng lại dự tiệc bình thường.
"Mình đắng mồm đắng miệng, không ăn được gì cả thế mà ngay sau tối về, Đại tướng năn nỉ tôi: bất cứ giá nào đồng chí cũng phải cho tôi về ngay Việt Nam vì có đồng chí Fidel Castro sang thăm" - ông kể. Và trong tình huống sức khỏe của Đại tướng chưa ổn thỏa, ông lại xách va li theo Đại tướng về nước.
Ở trên máy bay, Đại tướng lại tiếp tục làm việc, không chợp mắt một phút cho đến khi về Hà Nội. Vừa về đến Hà Nội, ngay lập tức ông lại lên ô tô vào miền Nam gặp Fidel trong bối cảnh hai miền Nam - Bắc chiến tranh căng thẳng.
"Đại tướng đã làm gì thì say mê lắm, một ngày từ sáng đến tối chỉ có làm việc".
Vậy 30 năm ở gần, sau cùng, ông nhận thấy Tướng Giáp là người như thế nào?
"Ông là người rất dễ thương người, coi mọi người như anh em, không phân biệt, không tỏ thái độ mình là cán bộ cao cấp, bình đẳng, chuyện trò cởi mở. Tôi ở 30 năm thấy đó là con người đối xử anh em từ cấp dưỡng, cán bộ làm việc rất bình dị, thoải mái"- bác sĩ Ngà nói.
Nói đoạn, ông đọc bài thơ riêng dành cho Đại tướng:
"Văn võ song toàn mưu lược giỏi
Tài trí uyên thâm kế sách hay
Trận đánh Điên Biên ghi lịch sử
Chiến tích dư âm mãi ngàn thu"
Linh Thư - Hiền Anh