Quân đội Mỹ đã công bố tài liệu chiến lược mới đầu tiên trong vòng 6 năm qua, kêu gọi phát triển một lực lượng tập trung vào châu Á - nơi họ cho rằng cả sức mạnh kinh tế lẫn quân sự đang gia tăng nhanh chóng và môi trường chiến lược cũng thay đổi mạnh mẽ.
Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, những nguy cơ từ châu Á dường như sẽ gia tăng trong suốt thập niên tới, và khi Mỹ thực hiện việc thắt chặt ngân sách quốc phòng, thì nước này sẽ phải trông chờ vào các đối tác thân cận hơn với những đồng minh để đảm bảo và tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực.
Tàu sân bay USS George Washington (thứ ba bên
phải) trong đội tàu tham gia tập trận chung với Hàn Quốc. Ảnh: Reuters
Đây là báo cáo chiến lược đầu tiên được đưa ra kể từ 2004. Báo cáo khẳng định, quân đội Mỹ sẽ phải đối mặt với môi trường an ninh toàn cầu ngày một phức tạp, đối mặt với việc chấm hết của sự gia tăng ngân sách và cắt giảm nhân sự trong bộ binh cũng như các đơn vị lính thủy đánh bộ.
Chìa khóa cho tầm quan trọng ngày càng lớn của châu Á nằm trong sự chuyển dịch cán cân kinh tế thế giới, sự trỗi dậy của "hai cường quốc toàn cầu đang lên", Trung Quốc và Ấn Độ, "và những cường quốc khu vực khác", báo cáo cho biết.
Chiến lược mới mà Lầu Năm Góc đưa ra đề cập tới cách tiếp cận kép với Trung Quốc. Nó vừa kêu gọi gia tăng hợp tác với người khổng lồ châu Á đang trỗi dậy này, nhưng cũng khá thận trọng khi mục tiêu gia tăng sức mạnh của quân đội Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng.
Quân đội Mỹ sẽ tìm kiếm quan hệ gần gụi hơn với Trung Quốc "để mở rộng những lĩnh vực có cùng lợi ích, cải thiện sự hiểu biết lẫn nhau, giảm thiểu hiểu nhầm và ngăn chặn tính toán sai", tài liệu khẳng định. Đồng thời, Mỹ sẽ giữ thái độ thận trọng với "mục tiêu và chiến lược mở rộng hiện đại hóa quân sự Trung Quốc, cũng như sự quả quyết của họ trong lĩnh vực không gian, không gian ảo".
Trong báo cáo, Lầu Năm Góc tuyên bố, Mỹ sẵn sàng "chứng minh và cam kết các tài nguyên cần thiết để chống lại hành động của bất cứ quốc gia nào đe dọa tới an ninh của các đồng minh".
Được viết bởi một nhóm nghiên cứu từ văn phòng Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - Đô đốc Mike Mullen, kế hoạch chiến lược kêu gọi việc mở rộng "hợp tác quân sự, trao đổi và tập trận với Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Pakistan, Indonesia và Singapore”. Chiến lược cũng cam kết tiếp tục hợp tác thân cận với Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, đồng thời nhấn mạnh, quân đội Mỹ sẽ tìm kiếm những quan hệ hợp tác an ninh đa phương hoặc song phương sâu sắc khác tại châu Á.
“Để tận dụng sức mạnh triệu tập, chúng ta sẽ mở rộng phạm vi và tham gia tập trận đa phương khắp khu vực", báo cáo đề cập tới khả năng của quân đội Mỹ trong việc thu hút các đồng minh thân cận với một bên khác.
Ngoài châu Á, chiến lược mới phản ánh một chủ đề nhất quán mà Đô đốc Mullens gần đây nhiều lần tuyên bố công khai. Báo cáo cảnh báo rằng, "một mình sức mạnh quân sự Mỹ sẽ không đủ để giải quyết hoàn toàn các thách thức an ninh phức tạp" mà nước này đối mặt. “Sức mạnh quân sự và công cụ khác của các nước sẽ hiệu quả hơn nếu được áp dụng phối hợp", chiến lược khuyến cáo.
Theo chiến lược mới của Lầu Năm Góc, Mỹ đang ở "một điểm uốn chiến lược", đồng thời nhấn mạnh các vấn đề an ninh toàn cầu ngày một phức tạp "trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau mà lợi ích lâu dài của Mỹ ngày càng có quan hệ gắn bó với các quốc gia khác, các bên phi nhà nước khác".
Môi trường an ninh toàn cầu ngày một phức tạp một phần là bởi "dân số và tốc độ đô thị hóa gia tăng", sẽ "góp phần làm tăng tình trạng khan hiếm nước và có thể đưa ra những thách thức về mặt quản lý". Sự gia tăng khả năng của các bên phi nhà nước như "khủng bố, những mạng lưới tội phạm và cướp biển" là một thách thức khác với sức mạnh Mỹ.
Cũng như các tài liệu chính sách an ninh quốc gia khác công bố trong vài năm qua, chiến lược mới không sử dụng từ "Hồi giáo" để mô tả về bất kể một nhóm khủng bố hay mối đe dọa nào, mà chỉ đề cập tới "bạo lực cực đoan".
Chiến lược của Lầu Năm Góc được phát hành một tuần trước khi Nhà Trắng dự kiến đưa ra yêu cầu ngân sách của Tổng thống Obama cho năm 2012. Chính quyền đề xuất giảm chi tiêu quốc phòng trong vòng 4 - 5 năm, điều mà chiến lược cho rằng sẽ tạo ra sự khó khăn trong nỗ lực cân bằng chi phí cho các cuộc chiến hiện tại và chuẩn bị cho những xung đột khác trong tương lai. "Ngân sách dự phòng cho thấy, các lãnh đạo phải tiếp tục lên kế hoạch và chọn lựa khó khăn giữa những thách thức hiện tại và tương lai", báo cáo cho biết.
-
Thái An (Theo Washington Times)