Trung Quốc đang đẩy nhanh việc phát triển một thế hệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, với nhiều khả năng vượt trội hơn cùng các tên lửa phóng đi từ tàu ngầm.


Giới phân tích quân sự cho biết, động thái trên đã giúp Trung Quốc làm tăng khả năng hiện có của họ để sử dụng các đầu đạn hạt nhân trong cuộc đối đầu với Mỹ và để áp đảo các hệ thống phòng thủ tên lửa.

Quốc hội Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở Đông Á luôn quan ngại trước thực tế Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng các khả năng quân sự cho chiến tranh thông thường và hạt nhân. Đặc biệt là khi thực tế ấy diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày một quyết đoán và gây hấn hơn trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Trung Quốc được cho là đang đẩy nhanh việc phát triển một thế hệ tên lửa đạn đạo mới. Ảnh: ctia

Tờ Thời báo hoàn cầu của Trung Quốc tuần trước đưa tin, Trung Quốc đang phát triển khả năng trang bị nhiều đầu đạn trên các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Tuy nhiên, tờ báo lại đặt ra tranh cãi về thông tin đăng trên Tuần báo quốc phòng Jane rằng, loại ICBM mới nhất của Trung Quốc gọi là Đông Phong 41 đã được thử nghiệm từ tháng trước.

Một người phát ngôn Lầu Năm Góc từ chối bình luận trực tiếp về các khả năng mới của tên lửa Trung Quốc nhưng nói rằng, Mỹ “vẫn tiếp tục cam kết duy trì quan hệ quân sự lành mạnh, bền vững, đáng tin cậy, phát triển với Trung Quốc và thường xuyên thảo luận các cách để làm giảm căng thẳng cũng như xây dựng sự tin cậy trong khu vực”.

Người phát ngôn Damien Pickart nhấn mạnh, Mỹ thận trọng dõi theo các tiến triển quân sự của Trung Quốc và thúc giục nước này “thể hiện sự minh bạch hơn liên quan đến những khả năng và mục tiêu quân sự”.

Theo Larry M. Wortzel thuộc Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung, một tổ chức do Quốc hội Mỹ thành lập, Trung Quốc đang phát triển khả năng đặt 10 đầu đạn hạt nhân lên một ICBM, mặc dù một số đầu đạn giả có thể được thay thế đầu đạn thật. Các đầu đạn giả được thiết kế để đánh lừa hệ thống phòng thủ tên lửa. “Ý nghĩa lớn hơn của việc này là khi họ bắt đầu một lực lượng tên lửa với nhiều đầu đạn có nghĩa là mọi thứ chúng ta đánh giá về quy mô kho vũ khí hạt nhân của họ đã thành sai lầm”, ông Wortzel, một cựu sĩ quan tình báo quân đội Mỹ nói.

Vài tuần gần đây, Trung Quốc đã thử nghiệm các tên lửa phóng đi từ tàu ngầm mà họ có thể sử dụng nhằm vào hệ thống phát hiện tên lửa của Mỹ, ông Wortzel cho biết. Đa phần hệ thống rađa mà Mỹ triển khai chống lại tên lửa đạn đạo được xây dựng từ thời chiến tranh Lạnh để phát hiện các cuộc tấn công từ nhiều tuyến.

Trung Quốc đã bắt đầu các cuộc thử nghiệm trên biển cho tàu sân bay đầu tiên - con tàu Liên Xô được nâng cấp - và mùa hè này thì đề cập tới chuyện có thể xây dựng một đội tàu sân bay khoảng 5 chiếc. Nước này cũng bắt đầu các cuộc thử nghiệm công khai hồi tháng 1 năm ngoái với J-20, thế hệ máy bay tàng hình chiến đấu mới.

Quy mô chương trình tên lửa chiến lược của Trung Quốc vẫn được giữ bí mật. Lầu Năm Góc ước tính, Trung Quốc gần đây có từ 55- 65 ICBM. Nước này còn đang chuẩn bị hai tàu ngầm để triển khai các tên lửa, mỗi tàu có khoảng 12 tên lửa, ông Wortzel cho biết.

Phương Tây đưa ra các dự báo khác nhau về tên lửa Đông Phong-41 mà Trung Quốc sẽ sản xuất, với khoảng 20-32 hệ thống phóng lưu động. Các bệ phóng này khiến tên lửa gặp khó khăn trong việc tìm diệt hơn. Nếu mỗi tên lửa có 10 đầu đạn hạn nhân thì kết quả có thể là Trung Quốc có tới vài trăm vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, Tom Z. Collina, giám đốc nghiên cứu Hiệp hội Kiểm soát vũ khí nói rằng, Trung Quốc không thể thực sự triển khai nhiều đầu đạn mà trước tiên không cần phát triển và thử nghiệm các đầu đạn nhỏ hơn. Và Trung Quốc đã ký Hiệp ước Cấm thử nghiệm toàn diện năm 1996, chấp thuận không tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân.

Mỹ hiện đang cân nhắc vị trí tốt nhất có thể triển khai các hệ thống rađa công nghệ mới hiện đại để theo dõi các tên lửa đạn đạo. Lực lượng Mỹ gần đây có một hệ thống ở phía bắc Nhật Bản. Nhật báo phố Wall mới đây đưa tin về các cuộc thương thảo về khả năng triển khai thêm hai hệ thống trên đất liền ở phía nam Nhật Bản và ở Đông Nam Á.

Các quan chức Mỹ khẳng định mối quan tâm chính của họ là Triều Tiên - nước từng thử nghiệm các tên lửa tầm xa và phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, quan chức và các chuyên gia Trung Quốc hoài nghi rằng, hệ thống phòng thủ của Mỹ là nhằm tới các lực lượng của họ.

Thái An (theo New York Times)