Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang bắt đầu cho chuyến công du châu Á, tới nhiều quốc gia từ một Trung Quốc trỗi dậy tới những đảo quốc nhỏ bé. Giới phân tích cho rằng, “sự thẳng thắn” của bà khi đề cập tới các điểm nóng trong khu vực sẽ làm gia tăng sự “khó chịu” của Bắc Kinh.


Giữa một chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, cựu ứng viên phải đảm nhận sứ mệnh khó khăn với nỗ lực khắc họa Washington như “dây neo” của sự ổn định trong một khu vực mà Trung Quốc đang ngày càng có nhiều tranh chấp với các láng giềng.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Ảnh: Minh Thăng


Điểm đến đầu tiên của bà Clinton là quần đảo Cook - dân số chỉ có 11.000 người. Bà là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tham dự một hội nghị thượng đỉnh hàng năm của các đảo quốc Nam Thái Bình Dương - nơi ảnh hưởng Trung Quốc đang lan rộng.

Ngoại trưởng Clinton sẽ tới Trung Quốc hôm thứ ba tuần tới. Các trợ lý nói bà sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và những quan chức hàng đầu khác của Trung Quốc; đề cập tới hàng loạt vấn đề giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, kể cả chuyện tranh chấp hàng hải.

Trong một tuyên bố mạnh mẽ khác thường, Mỹ gần đây đã chỉ trích Trung Quốc làm leo thang căng thẳng và cảnh báo sẽ chống lại chiến thuật “chia để trị” sau khi Bắc Kinh quyết định lập một đơn vị đồn trú trên một khu vực tranh chấp ở Biển Đông - vùng biển chiếm một nửa vận chuyển hàng hóa thương mại của thế giới.

Hãng Tân hoa của Trung Quốc đã cáo buộc Ngoại trưởng Clinton đang nỗ lực “kiềm chế ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc” và nói rằng, chiến lược cốt lõi của Mỹ là để “bảo vệ sự thống trị và bá quyền ở châu Á - Thái Bình Dương”.

Trước đó, Tân hoa xã còn dành những ngôn từ khó nghe hơn cho Mitt Romney - ứng viên chính thức của đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống Mỹ vào ngày 6/11. Hãng này nói rằng, sự cứng rắn của ứng viên này khi đề cập tới vấn đề Trung Quốc, từ chuyện Đài Loan tới tỉ giá tiền tệ, có thể “đầu độc” quan hệ Mỹ - Trung.

Một quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng, bà Clinton mong muốn tất cả các bên “tránh những hành động khiêu khích” và bà sẽ trao đổi với Indonesia, Brunei về những hành động ngoại giao tương lai hướng tới bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Trước chuyến công du của Ngoại trưởng Hillary Clinton, quan chức Mỹ cho biết, tại châu Á, bà Clinton sẽ cảnh báo chống lại việc sử dụng vũ lực giữa Trung Quốc và các láng giềng giữa bối cảnh căng thẳng gia tăng xung quanh tranh chấp biển.

Ernie Bower của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế nói rằng, chuyến thăm của bà Clinton - chuyến thứ ba tới châu Á kể từ tháng 5 - là một phần nỗ lực để “thể chế hoá” sự hiện diện của Mỹ ở châu lục, đặc biệt là Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến đi lần này còn sẽ phải đối mặt với việc gia tăng căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. "Tôi phải nói rằng, căng thẳng bùng phát gần đây giữa Nhật Bản và Hàn Quốc khiến Mỹ lo ngại và chúng tôi lần nữa thúc giục các bên kiềm chế, bình tĩnh”, quan chức Mỹ nói. Mỹ hy vọng hai đồng minh quan trọng của mình ở châu Á sẽ cùng làm việc khi phải đối mặt với một Trung Quốc trỗi dậy và một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân.

Ngoài việc là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tham dự Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương, bà Clinton sẽ là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm Đông Timor. Với chuyến công du tới Brunei, bà trở thành Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tới thăm toàn bộ 10 nước ASEAN.

Thái An (theo Inquirer)