- Câu chuyện tạm dừng triển khai cấp CMND mới có ghi họ tên cha mẹ được một số chuyên gia nêu như minh chứng cho các văn bản pháp luật mới ra lò đã lỗi thời.


Ngày 30/8, tại Hà Nội, dự án Sáng kiến năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAIDS) và Đại sứ quán Úc tại Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo về đánh giá tác động của văn bản pháp lý (RIA) với việc nâng cao chất lượng thể chế: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam. 

TS Dương Thanh Mai: Nhiều văn bản chưa ráo mực đã phải sửa. Ảnh: LN
Nhiều bài học thực tiễn đã được các chuyên gia Úc, New Zealand chỉ ra như những gợi ý chính sách hữu hiệu cho Việt Nam. Việc đánh giá khả năng tác động của dự thảo văn bản luật trước khi ban hành có ý nghĩa dự báo trước những tác động tích cực, tiêu cực để có biện pháp khắc phục cũng như giúp cho các chính sách đưa ra sớm đi vào thực tiễn. 

'Vừa thiết kế vừa thi công'

Theo TS Nguyễn Đình Cung (Phó Viện trưởng CIEM), những năm gần đây, việc đánh giá tác động của văn bản luật đã trở thành yêu cầu bắt buộc trong quá trình lập pháp và là một trong những cải cách quan trọng góp phần vào việc nâng cao chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta. Tuy quá trình áp dụng có tiến bộ nhưng trên thực tế vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. 

TS Dương Thanh Mai, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) dẫn câu chuyện Bộ Công an tạm dừng triển khai cấp CMND mới có ghi họ tên cha mẹ như minh họa sinh động cho việc chính sách mới ban hành chưa đi vào đời sống đã lỗi thời. 

Bà Mai cho hay, luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định về việc các văn bản cần phải có đánh giá tác động, nhưng thực chất các bộ ngành vẫn chưa coi trọng đúng mức công việc này. Các báo cáo đánh giá tác động chỉ làm cho có, làm cho đúng thủ tục và được cơ quan soạn thảo luật biên soạn, sửa sang cho phù hợp với dự án luật. Nhiều bản báo cáo chỉ đơn thuần là sao chép lại bản thuyết minh dự án luật, được nắn lại theo dự thảo. “Thay vì chọn giày cho đôi chân, chúng ta lại đang gọt chân sao cho vừa giày”, bà Mai ví von.

Trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động, việc tham vấn người dân vẫn chỉ được làm một cách hình thức, đối phó. Chuyện phân tích chính sách và đánh giá tác động của các giải pháp chủ yếu được làm một cách định tính, thiếu số liệu, dữ liệu. Do đó, phương án mà nhà làm luật đưa ra thiếu thuyêt phục. Nhiều văn bản luật chưa ráo mực, mới được Quốc hội thông qua năm trước, đến năm sau đã phải sửa. 

“Những người làm chính sách thiếu tính chuyên nghiệp và kỹ năng nên không ít chính sách trong các đạo luật vừa thiếu tầm nhìn và tính dự báo, vừa không phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn, do đó cũng không có sức sống ”, bà Mai khẳng định. 

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo bà Mai, cũng một phần do các nhà làm luật vừa thiết kế vừa thi công, không dựa trên những phân tích khoa học và chính xác. 

Trách nhiệm bộ trưởng

Để văn bản luật không “yểu mệnh”, bà Mai đưa ra hàng loạt đề xuất thay đổi, chẳng hạn có cơ chế khuyến khích các tổ chức nghiên cứu tham gia thực hiện báo cáo đánh giá tác động ngay ở khâu chuẩn bị soạn thảo. Mặt khác, chỉ tập trung đánh giá các tác động về kinh tế, xã hội, môi trường thay vì dàn trải. Nội dung đánh giá này cũng phải được công khai cùng với dự án luật để cùng lầy ý kiến nhân dân… 

Ông Nguyễn Đình Cung góp ý, bản thân trưởng ban soạn thảo (là các bộ trưởng) phải coi việc đánh giá tác động của văn bản luật là một công việc thực chất. “Ông bộ trưởng phải có trách nhiệm đảm bảo cho ra đời một chính sách tốt”, ông Cung nói. 

Một số ý kiến cũng bày tỏ quan ngại về việc, phải chăng không ít người làm chính sách tuy rất hiểu vai trò của quy trình đánh giá tác động văn bản luật nhưng không thể làm cho đến nơi đến chốn bởi những rào cản về lợi ích cục bộ. 

Lê Nhung