Hôm nay (25/11), Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã triệu tập cuộc họp khẩn nhằm đối phó với những ảnh hưởng kinh tế sau vụ tấn công pháo từ phía Triều Tiên.

Tàu sân bay Mỹ tới vùng biển Triều Tiên
Tổng thống Mỹ thề bảo vệ đồng minh Hàn Quốc

Trong khi đó, Mỹ lên tiếng thúc giục Trung Quốc kiềm chế Bình Nhưỡng.

 
 Lần đầu tiên kể từ năm 1987, đã có dân thường Hàn Quốc thiệt mạng trong vụ tấn công từ phía Triều Tiên Ảnh Reuters

Báo chí địa phương đưa tin, cuộc họp gồm các quan chức an ninh và kinh tế cấp cao ở Seoul và thảo luận về các biện pháp ngăn chặn căng thẳng với Triều Tiên để không làm tổn thương tới nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.

Tại Mỹ, Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân, cho hay, Washington đang làm việc chặt chẽ với các đồng minh để thảo luận về phản ứng sau vụ tấn công. Ông nhấn mạnh: “Điều rất quan trọng là vai trò dẫn dắt của Trung Quốc”.

Hôm thứ Ba, CHDCND Triều Tiên đã nã pháo vào đảo Yeonpyeong, phía nam biên giới biển tranh chấp với Hàn Quốc. Hai dân thường, hai binh lính Hàn đã thiệt mạng. Đây là lần đầu tiên có dân thường tử nạn trong một vụ tấn công từ phía CHDCND Triều Tiên kể từ năm 1987.
Cái chết của các thường dân đã khiến người Hàn Quốc nổi giận. "Nhiệm vụ lớn nhất của Hàn Quốc là kiềm chế để Triều Tiên không gây ra thảm kịch lần nữa”, nhật báo Chosun Ilbo hôm nay khẳng định. "Nhưng Hàn Quốc một lần nữa đã thất bại khi thực hiện nhiệm vụ này”.
Mỹ đã điều động tàu sân bay tới Hoàng Hải để tham gia cuộc tập trận chung với Hàn Quốc. Mặc dù lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc khẳng định, cuộc tập trận được lên kế hoạch từ trước, nhưng rất nhiều người nhận định, động thái điều tàu sân bay sẽ chọc giận Bình Nhưỡng và làm Trung Quốc bất an.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong khi đó đã thúc giục hai miền Triều Tiên “bình tĩnh và kiềm chế”, và sắp xếp hội đàm sớm để tranh căng thẳng leo thang. "Trung Quốc coi vụ việc này là rất nghiêm trọng và thể hiện sự đồng cảm, thương tiếc trước những tổn thất về người và của, chúng tôi cảm thấy lo lắng về tình hình”, phát ngôn viên Hồng Lỗi nói.
Lãnh đạo Triều Tiên thăm đơn vị pháo

Truyền thông Hàn Quốc vừa đưa tin, chỉ vài giờ trước vụ tấn công, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il cùng con trai Jong-un đã tới thăm căn cứ pháo binh - nơi đã bắn phá vào một hòn đảo Hàn Quốc.

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm thứ Hai cũng đưa tin, ông Kim Jong-il đã tới thăm một trang trại Yongyon, tỉnh Nam Hwanghae và đi cùng có các quan chức quân sự cấp cao, gồm cả Jong-un.

Yongyon chỉ cách một căn cứ quân sự ven biển của Triều Tiên – nơi đạn pháo được bắn ra – vài km.

Quan chức chính phủ Seoul chưa bình luận gì về thông tin này.
Trong khi đó, Mỹ tin rằng, hành động của CHDCND Triều Tiên có liên quan tới sự thay đổi lãnh đạo ở nước này. Còn rất nhiều chuyên gia phân tích thì khẳng định, Bình Nhưỡng thực hiện vụ tấn công để “đánh bóng” hình ảnh của vị tướng trẻ Jong-un - người được cho là sẽ kế nhiệm cha lãnh đạo CHDCND Triều Tiên.
Theo báo chí Hàn Quốc, hai cha con ông Kim đã gặp gỡ Tướng Kim Kyok-sik, chỉ huy quân đoàn số bốn tiền tuyến tại một căn cứ ở tỉnh Nam Hwanghae, vài giờ trước khi CHDCND Triều Tiên bắn pháo vào đảo của Hàn Quốc.
Báo Chosun Ilbo dẫn lời một thành viên của Uỷ ban Quốc phòng Quốc hội Hàn Quốc cho hay lực lượng tình báo đang thu thập thông tin và cố gắng tìm hiểu xem chuyến viếng thăm có liên quan trực tiếp tới vụ tấn công hay không?
Triều Tiên cũng đã cảnh báo “trả đũa” nhiều hơn nếu Hàn Quốc tiến hành các hành động “khiêu khích quân sự hấp tấp”. Cảnh báo đưa ra khi Washington và Seoul chuẩn bị tập trận chung có sự tham gia của tàu sân bay hạt nhân Mỹ ở Hoàng Hải.
Bình Nhưỡng không đề cập cụ thể tới tập trận nhưng nói rằng, quân đội của họ sẽ “thực hiện hành động trả đũa mạnh mẽ lần hai, lần ba và không khoan nhượng nếu Hàn Quốc có những khiêu khích quân sự thiếu thận trọng”.

  • Thái An (Theo AP, Reuters)