- Trao đổi bên hành lang Hội nghị triển khai công tác bầu cử ĐBQH và HĐND khóa mới hôm nay (10/2) tại Hà Nội, Tổng thư ký Hội đồng bầu cử Phạm Minh Tuyên cho biết số lượng đại biểu là người ngoài Đảng ở Quốc hội khóa tới sẽ giao động từ 15 - 20%, so với 18% hiện tại.
Về tiêu chuẩn lựa chọn ĐBQH, đặc biệt với các đại biểu chuyên trách, ông Tuyên cho hay, ngoài tiêu chuẩn chung, lần này nhấn mạnh thêm các tiêu chuẩn khác như lòng yêu nước, trung thành, trung thực, là những người thực sự tiêu biểu, gương mẫu, được nhân dân tín nhiệm và có năng lực để tham gia đảm nhận các công việc chuyên môn tại các ủy ban và hội đồng dân tộc.
Ông Phạm Minh Tuyên: Cơ cấu đa dạng tạo sức mạnh cho Quốc hội. Ảnh: LN
Không giảm tỷ lệ đại biểu cơ quan hành pháp
Ông có nói đến việc nhiệm kỳ khóa XIII nhấn mạnh thêm một số tiêu chuẩn cho ĐB chuyên trách như tính trung thực, trung thành… Tiêu chuẩn cụ thể hơn là gì, thưa ông?
- Với ĐB chuyên trách ở địa phương, phải chọn người có năng lực chuyên môn tương đương hoặc đang được quy hoạch vào các vị trí ủy viên thường vụ tỉnh ủy, phó chủ tịch HĐND và phó chủ tịch UBND.
Với các ĐB chuyên trách trung ương, đó phải là người đã và đang làm vụ trưởng, hoặc tương đương và am hiểu hoạt động QH.
Các yêu cầu này ở kỳ bầu cử trước cũng đã đề cập đến nhưng lần này nêu ra chặt hơn và buộc phải thực hiện nghiêm hơn.
Hoặc về cơ cấu lãnh đạo các tỉnh tham gia vào QH. Số lượng cụ thể, Ban Tổ chức Trung ương sẽ cân nhắc để phân bố. Chẳng hạn sẽ có khoảng 20 bí thư hoặc 10 chủ tịch tỉnh, khoảng 30 vị là phó bí thư..
Còn tỷ lệ chuyên trách dưới địa phương thì ngoài Hà Nội, TP.HCM có 2 đại biểu chuyên trách, còn lại các tỉnh thành khác chỉ bố trí 1 người. Mục đích là dồn số ĐB chuyên trách vào các cơ quan TƯ như Ủy ban và Hội đồng dân tộc.
Còn về tiêu chuẩn học vấn?
- Tiêu chuẩn của ĐBQH quy định vẫn như cũ, tùy từng thời kỳ được nâng lên. Nhưng trong điều kiện hiện nay, trình độ học vấn của người được giới thiệu cũng sẽ nâng lên.
Có chủ trương giảm số ĐBQH đang tham gia các cơ quan hành pháp để giảm tình trạng đại biểu "vừa đá bóng ,vừa thổi còi" không, thưa ông?
- Chủ trương chung là không giảm tỷ lệ những người đang công tác ở các cơ quan chính quyền địa phương và Trung ương.
Còn việc có người nói đại biểu vừa đá bóng, vừa thổi còi thì theo tôi, trong điều kiện và đòi hỏi hiện nay thì tỷ lệ lãnh đạo tham gia hoạt động trong Quốc hội là cần thiết. Nên phải đa dạng cơ cấu các thành phần là các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý… Cơ cấu đa dạng tạo sức mạnh cho Quốc hội.
Đảng viên có quyền ứng cử theo luật
Tỷ lệ nữ, trẻ và đại diện doanh nghiệp trong Quốc hội có gì mới?
- Tỷ lệ nữ vẫn quy định cố gắng đạt 30% nhưng qua các kỳ bầu cử vừa rồi đều không đạt. Hy vọng lần này quyết tâm làm để đạt tỷ lệ. Vấn đề là quá trình giới thiệu phải đảm bảo sự tín nhiệm của nhân dân.
Với ĐB trẻ, phải có năng lực, am hiểu và đảm nhận vai trò ĐBQH, nếu không sẽ làm giảm chất lượng. Tỷ lệ trẻ cũng khoảng dưới 30%, tính từ độ tuổi 40 trở xuống. Nghĩa là cũng đang ở độ chín.
Thưa ông, có điểm nào mới trong quy định về đảng viên tự ứng cử không?
- Với những quy định hiện nay, đảng viên hoàn toàn có quyền ứng cử theo luật. Nhưng mỗi người tham gia một tổ chức phải tuân thủ quy định của tổ chức.
Đảng cộng sản VN là đảng duy nhất nên cán bộ của Đảng khi ứng cử phải được sự phân công của tổ chức Đảng. Ở bất kỳ nước nào, tổ chức nào khi giới thiệu người tham gia tổ chức chính trị, xã hội cũng như vậy thôi, cũng tuân thủ những quy định mang tính chất dân chủ, trách nhiệm, đảm bảo có sự lựa chọn trách nhiệm.
Riêng quy định về minh bạch tài sản vẫn giữ theo như quy định của Thanh tra Chính phủ và như cách làm lâu nay.
Về tỷ lệ ĐB ngoài Đảng?
- Tỷ lệ giao động từ 15 - 20%. Khóa XII đạt tỷ lệ khoảng 18%.
Sẽ có bao nhiêu ĐB khóa XII tái cử?
- Phấn đấu khoảng 40%. Còn khóa trước (khóa XI - PV) tái cử vào khóa XII trên 30%.
Có cơ chế nào ràng buộc trách nhiệm ĐB với cử tri và cử tri giám sát được ĐB?
- Mối quan hệ gắn bó trách nhiệm lâu nay vẫn phải là thường xuyên gắn bó với cử tri.
Thứ nhất là các ĐB phải am hiểu luật pháp để lý giải với cử tri. Mặt khác, ĐB phải hiểu tâm tư nguyện vọng, tiếng nói của cử tri để phát hiện vấn đề bất cập trong đời sống, phản ánh đầy đủ nguyện vọng cử tri.
Quy trình vận động bầu cử lần này có điểm gì thực sự mới?
- Hiện vẫn thực hiện theo luật định vì luật chưa sửa đổi. Vận động tranh cử trong bầu cử hiện nay, khái niệm còn ý kiến khác nhau, nhưng vận động tranh cử là được pháp luật cho phép. Quan trọng nhất là khi vận động, anh muốn thực hiện những gì phải trong luật pháp quy định. Mà yêu cầu đầu tiên là thể hiện sự gắn bó, trách nhiệm với người dân.
Phó Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Văn
Quynh: Về độ tuổi: Với cán bộ
chuyên trách Trung ương, trên 50% những người được bầu phải đủ
tuổi đảm nhận công việc cho hai nhiệm kỳ trở lên, số còn lại
phải đủ tuổi tham gia 1 nhiệm kỳ (sinh từ tháng 5/1956 trở lại
đây). Trường hợp khác thì báo cáo Bộ Chính trị. Với đại biểu địa phương:
Phải đủ tuổi tham gia một nhiệm kỳ. Tiêu chuẩn ĐB Hội đồng
nhân dân: Đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết, có khả năng đoàn
kết, tập hợp nhân dân… và các tiêu chuẩn khác. Về nguyên tắc phát huy dân
chủ và tập trung dân chủ trong giới thiệu ĐBQH và ĐB Hội đồng
nhân dân các cấp: Tổ chức Đảng chỉ giới thiệu một đại biểu
đại diện cho tổ chức Đảng cùng cấp tham gia ứng cử vào một
chức danh lãnh đạo trong QH, HĐND. Đảng viên tự ứng cử phải
là người có đủ điều kiện tiêu chuẩn, chấp hành đúng quy định
và được tổ chức Đảng quản lý trực tiếp đồng ý.