- Hầu hết độc giả phản hồi bài viết “Vụ trùng tu chùa Trăm Gian: lỗi vô thức” đều gửi thông điệp: mong cơ quan quản lý di tích văn hóa ở Hà Nội đừng để lặp lại sự cố “mất bò mới lo làm chuồng”.


Lỗi ở cán bộ quản lý

Sau sự cố xảy ra ở chùa Trăm Gian, rất nhiều cấp lãnh đạo thành phố đã đăng đàn công khai giải thích nguyên nhân thuộc lỗi “thiếu hiểu biết” của cán bộ cơ sở. Thậm chí, lỗi còn xuất phát từ nhận thức của người dân. Nhưng theo độc giả viethungveic@..., nguyên nhân trước hết nằm ở cán bộ quản lý, “người làm quản lý mà không làm đủ trách nhiệm thì sẽ còn nhiều hậu quả xấu khác xảy ra”.

  Chùa Trăm Gian. Ảnh: Bình Minh

Bạn đọc hbm@... phân tích thêm, trùng tu di tích là công việc cần có hội đồng các nhà chuyên môn, các nhà quản lý,... nhất là di tích có ý nghĩa, quy mô như chùa Trăm Gian, vậy mà lại đổ lỗi là vô thức, hóa ra tự thừa nhận đội ngũ chuyên môn, các nhà quản lý là "vô thức" - chữ thức ở đây là "ý thức, tri thức".

Còn theo độc giả luuthu587@... trách nhiệm thuộc đội ngũ quản lý văn hóa từ cơ sở trở lên chứ không riêng ai.

“Cán bộ văn hóa thôn, xã thì thiếu hiểu biết về giá trị văn hóa và di tích. Cán bộ văn hóa huyện, tỉnh thì mải mê bận với những kế hoạch dài hơi hơn, to lớn hơn, và thực tế thì được mấy người làm ở sở văn hóa, phòng văn hóa am hiểu văn hóa, am hiểu di tích. Không tin ta thử kiểm tra một bài toán thực tế là biết ngay kết quả. Việc trùng tu, "phá hủy" giá trị của di tích đâu phải chưa có hồi chuông cảnh báo. Cả một chùa Dâu nghìn tuổi giờ trở thành vài tuổi vẫn còn chưa hết nóng đấy sao. Xin hãy để ý tới di tích, xin hãy bảo vệ nguồn cội cho con cháu”, độc giả này viết.

Thậm chí, có độc giả còn cho rằng chuyện xảy ra ở chùa Trăm Gian lần này cũng chỉ là hậu quả của tư duy quản lý “mất bò mới lo làm chuồng” xảy ra ở rất nhiều lĩnh vực.

Không ít người đặt nghi vấn, hẳn phải có vấn đề về “lợi ích” trong tu bổ chùa Trăm Gian. Bởi nói như độc giả elsahachau@...”nếu trùng tu theo nguyên bản sẽ kiếm chác được ít, còn nếu phá đi làm lại sẽ là miếng mồi béo bở cho những kẻ tham lam. Nghề xây dựng thất thoát là vì vậy”.

Đa số độc giả đều bày tỏ sự ngậm ngùi bởi đã có không ít bài học nhãn tiền về câu chuyện “làm mới” hay “giữ nguyên trạng” di tích, nhưng rồi các cấp quản lý vẫn không hề rút ra được bài học. Và hậu quả là di tích cha ông gìn giữ vẫn tiếp tục mai một dần.

Quy trách nhiệm

Không dừng ở việc quy lỗi, nhiều độc giả nêu một số giải pháp trước mắt và lâu dài.

Chẳng hạn, theo độc giả Nguyễn Tiến Hùng, không thể cứ mỗi lần xảy ra sự cố gì là lại rút kinh nghiệm mà cần quy trách nhiệm theo pháp luật. Đặc biệt, với đội ngũ cán bộ quản lý thì trách nhiệm càng phải được ràng buộc chặt chẽ hơn. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì càng phải xử lý nghiêm khắc hơn.

Còn độc giả hathanhtu@... thì cho rằng, để khắc phục tình trạng cán bộ cơ sở thiếu hiểu biết, Bộ VH-TT-DL nên in luật Di sản rồi phát miễn phí cho các vị trụ trì di tích cấp quốc gia và UBND xã, phường có di tích đó.

Bạn mai2ld305@... nêu thực tế, hiện đang có rất nhiều đền chùa xuống cấp, chẳng hạn chùa Một Cột, “ngay bây giờ các cơ quan chức năng phải lập ngay dự án khoa học để trùng tu, cố gắng giữ nguyên trạng kiến trúc. Tôi sợ rằng chùa bị hư hại quá nặng đến khi trùng tu thì không giữ lại được kiến trúc cũ nữa. Tôi rất hy vọng các nhà quản lý thực tâm làm tốt để giữ lại cho con cháu đời sau”, độc giả này viết…

Đa số độc giả đều đang hy vọng, sau sự cố ở chùa Trăm Gian, lãnh đạo Hà Nội bắt tay vào làm mạnh mẽ hơn nữa để gìn giữ những di tích của mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Ngọc Lê