- Hơn 150 năm qua, khi người Úc nghĩ về ngày thứ ba đầu tiên của tháng 11, hình ảnh đầu tiên hiện lên là những cuộc đua ngựa, rượu champagne và cá độ tại Melbourne Cup. Năm nay, sau khi bật tivi, radio, vào mạng tận hưởng Melbourne Cup, nhiều người Úc chắc chắn còn chuyển kênh để xem ai trở thành Tổng thống mới của nước Mỹ.

Người Úc đang háo hức dõi theo bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012, không chỉ bởi Mỹ là đồng minh thân cận đầy quyền lực của Úc mà còn bởi những cuộc tranh cử kiểu này thường có diễn biến kịch tính như phim truyền hình dài tập.

Nhiều năm qua, tin tức truyền thông đã giúp người Úc hiểu được quy trình vận động bầu cử Tổng thống Mỹ, từ các cuộc bầu cử sơ bộ, tranh luận, đại hội đảng toàn quốc cho tới ngày bầu cử vào tháng 11.

Obama có thích Paris Hilton?

Câu chuyện người Úc với bầu cử Tổng thống Mỹ cũng tương tự như ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Trong mùa bầu cử, truyền thông và các nhà bình luận chính trị Úc dường như có nhiệm vụ cung cấp cho độc giả kiến thức để giải đáp những thắc mắc như: Tại sao đại hội đảng toàn quốc chọn ra ứng viên Tổng thống duy nhất của đảng tranh cử Tổng thống lại được tổ chức vui nhộn như chào đón sinh nhật của một đứa trẻ, với bóng bay, những chiếc mũ tinh nghịch và đám đông cuồng nhiệt như thể họ đã uống quá nhiều bia rượu…

Việc chọn ứng cử viên Phó Tổng thống có ý nghĩa như thế nào đối với quá trình chạy đua ghế Tổng thống? Những lời hứa mà các ứng viên đưa ra trong các cuộc tranh luận bầu cử có tầm quan trọng như thế nào?...

Câu trả lời ngắn gọn cho các thắc mắc trên là: tìm ra những fan hâm mộ đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ trong một đất nước dân số 310 triệu người không phải là điều quá khó.

Cương lĩnh tranh cử của ứng viên Tổng thống sẽ được các nhà báo lưu giữ, săm soi để dự đoán tương lai chính sách đối nội, đối ngoại của chính quyền mới.

Các nhà phân tích chính trị dễ rơi vào “ma trận” quảng cáo tranh cử và các cuộc tranh luận bất tận. Trong kỳ bầu cử 4 năm trước, một trong những tranh cãi ”lá cải” nhất là "Liệu ông Obama có thực sự thích Paris Hilton?”. Ấy thế mà nhiều người xài cả tuần trong đời họ chỉ để nghe ngóng và thảo luận về đề tài này.

Ở kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ cách đây 4 năm, nhiều người Úc quan tâm đến việc ông Obama có thực sự thích Paris Hilton. Ảnh: theintelhub

Các ứng viên Tổng thống quyến rũ thường sẽ làm bạn mê hoặc. Nhờ theo dõi những nhân vật như Bill Clinton, John McCain hay Barack Obama, bạn có cơ hội mở rộng tầm hiểu biết không chỉ về nền chính trị Mỹ mà còn về bản tính con người.

Truyền thông về bầu cử Tổng thống Mỹ trở nên phổ biến bởi lý do đơn giản là nó mời gọi độc giả nhiều câu chuyện lý thú.

Các tin tức bình luận, phản ánh về những đặc điểm hấp dẫn của ứng viên Tổng thống khiến mọi người không thể ngừng theo dõi, chẳng hạn về sở thích uống rượu của cựu Tổng thống G.Bush hay cô bạn gái người Úc của đương kim Tổng thống Barack Obama ở thành phố New York khi ông 20 tuổi…

Đằng sau sự hâm mộ

Kết quả cuộc thăm dò dư luận mới đây của UMR Research cho thấy có tới 72% trong tổng số 1.000 người Úc được hỏi cho biết nếu đi bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay, họ sẽ bỏ phiếu cho đương kim Tổng thống Barack Obama. Trong khi đó, chỉ có 5% ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney.

Từ đợt bầu cử 2008, người Úc đã đứng về phía ông Obama. Úc trở thành nước đứng thứ ba trên thế giới về tỷ lệ người dân ủng hộ ông, chỉ sau Kenya và Ý. Các nhà phân tích chính trị Úc cho rằng người dân Úc ủng hộ ông Obama bởi họ không hài lòng với việc dính líu vào cuộc chiến Iraq của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ G.Bush và cựu Thủ tướng Úc John Howard.

Kết quả trên cho thấy hai sự thực là người Úc biết về ông Obama nhiều hơn so với ông Romney và có khuynh hướng ủng hộ quan điểm về thế giới của đảng Dân chủ hơn là quan điểm của đảng Cộng hòa.

Tuy nhiên, đằng sau sự hâm mộ của người Úc dành cho bầu cử Tổng thống Mỹ là những lo lắng về việc Úc chịu ảnh hưởng lớn từ Mỹ.

Tờ Sydney Morning Herald dẫn câu chuyện sau vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ, một nhóm nhỏ học sinh tiểu học Úc đã tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng. Nhưng điều đáng nói là khi được hỏi, các học sinh này nghĩ rằng các vụ tấn công ở New York và Washington xảy ra tại… Úc.

Lũ trẻ đã không phân biệt nổi các sự kiện tại đất nước mình với sự kiện ở nước ngoài. Lý do dễ hiểu là người Úc sử dụng quá nhiều thời gian để xem các chương trình truyền hình, ca nhạc và các bộ phim Mỹ, khiến đường biên giới Mỹ-Úc dường như bị xóa mờ. Một số ý kiến còn chỉ trích rằng chính sách đối ngoại của Úc chạy theo chính sách đối ngoại Mỹ.

Các nhà quan sát chính trị Úc cho rằng nước Úc phải nhìn nhận Mỹ như một nước bên ngoài riêng biệt để chọn lựa không phải vị Tổng thống nào họ thích mà là vị Tổng thống nào sẽ mang lại lợi ích quốc gia tốt hơn cho nước Úc. Một trong những ảnh hưởng quan trọng nhất của Mỹ tác động tới chính sách đối ngoại Úc là cách thức quản lý mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.

Ngoài ra, sự khác biệt lớn giữa ông Obama và ông Rmoney ảnh hưởng tới lợi ích của Úc chính là vấn đề kinh tế. So với ông Romney, ông Obama đã đưa ra nhiều chính sách kinh tế có thể dự đoán hơn.

Nếu hệ thống chính trị Mỹ không thỏa hiệp được về cách thức cắt giảm thâm hụt ngân sách, kinh tế Mỹ có thể suy thoái trở lại. Lúc đó, lợi ích kinh tế của Úc sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi Mỹ là thị trường dịch vụ quan trọng nhất của Úc và là nước đầu tư FDI lớn nhất vào Úc.

Có thể nói, khi bầu cử Tổng thống Mỹ ảnh hưởng tới trật tự chính trị - kinh tế toàn cầu, chúng ta sẽ dõi theo nó không đơn thuần như một thú vui giải trí mà còn vì lợi ích ”sát sườn”.

Thu Thủy ( từ Melbourne)