Người Trung Quốc giờ đây đang thực hiện chiến dịch “phản công hòa bình”. Họ đã điều động ba phái bộ quân sự cấp cao đi khắp thế giới nhằm chuyển tải thông điệp rằng, các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông hay Hoa Đông không nên bị xem là sự đe dọa với bất kỳ ai.
Tác giả bài viết - Manoj Joshi - là chuyên gia về Kashmir và làm việc cho báo Hindustan Times ở Ấn Độ
Dĩ nhiên, những người đối thoại có tiếp nhận thông điệp ấy hay không lại là một vấn đề khác. Tuy nhiên, khó có thể chê trách Trung Quốc là đã không cố gắng.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt và người đồng nhiệm Ấn Độ A k Antony. Ảnh: Getty Images |
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã có chuyến công du chính thức Ấn Độ từ hôm chủ nhật. Ông Lương dẫn đầu phái đoàn gồm 23 thành viên. Trong số này có Dương Kim Sơn, chỉ huy quân quân khu Tây Tạng. Đây là chuyến công du Ấn Độ lần đầu tiên của một Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc từ năm 2004. Tuy nhiên, ông Lương từng tới Ấn Độ khi làm tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc (PLA) năm 2005. Ấn Độ là nước có tranh chấp biên giới với Trung Quốc.
Cùng lúc đó, một phái đoàn PLA, dẫn đầu là phó tổng tham mưu trưởng Mã Hiểu Thiên, đã bắt đầu chuyến công du tới Việt Nam, Myanmar, Malaysia và Singapore.
Gần đây, một phó tổng tham mưu trưởng PLA khác, tướng Thái Anh Đĩnh cũng vừa kết thúc chuyến thăm Mỹ - nơi ông tận dụng cơ hội nhắc lại lập trường của Bắc Kinh về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là quần đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật. Người Trung Quốc lo ngại rằng, quần đảo có thể nằm trong phạm vi bảo vệ của hiệp ước an ninh chung Mỹ - Nhật.
Như Mạnh Tương Anh - phó giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược thuộc ĐH Quốc phòng của PLA nói với Nhật báo Trung Quốc, dù tiến hành chiến dịch ngoại giao mới nhưng Bắc Kinh “sẽ không nhượng bộ khi tính tới vấn đề chủ quyền và lãnh thổ”. Trong ý nghĩa đó, ngoại giao quân sự là một thứ vũ khí khác trong kho vũ khí quả quyết và gây hấn của Bắc Kinh.
Trả lời một nhật báo Ấn Độ trước khi bắt đầu chuyến công du, tướng Lương đã tìm cách xoa dịu những nỗi lo lắng của người Ấn Độ. Ông lặp lại những gì mà tướng Mã đã nói với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh hồi tháng 12/2011 rằng, PLA không có lính ở vùng tranh chấp Kashmir mà Pakistan chiếm đóng.
Ông Lương cũng đánh giá cao các bước đi mà hai bên thực hiện để duy trì hòa bình ở Đường Kiểm soát thực tế (LAC) đánh dấu biên giới Trung - Ấn.
Thực chất, những gì tướng Lương làm dường như là để đảm bảo rằng, quan hệ Trung - Ấn vẫn ổn định, kể cả khi Bắc Kinh vật lộn với các vấn đề phức tạp như chiến lược trục xoay châu Á của Mỹ hay cuộc tranh chấp biên giới hàng hải với nhiều quốc gia ASEAN cũng như Nhật Bản.
Nhưng trong khi các tướng Lương, Mã, Thái và các nhà ngoại giao Trung Quốc đang cố thể hiện thông điệp “không đe dọa” thì quân đội Trung Quốc lại vẫn tục lập kế hoạch cho một cuộc chiến có thể xảy ra. Ví dụ liên quan trực tiếp tới Ấn Độ là bốn cuộc tập trận lớn của PLA ở Tây Tạng kể từ tháng 3 năm nay.
Trung Quốc đang có những nỗ lực đặc biệt để tăng cường khả năng hoạt động trong các chiến dịch tại độ cao lớn ở những nơi lạnh giá - những nơi mà lực lượng vũ trang Ấn Độ có kinh nghiệm cũng như chuyên môn đáng kể. Đầu tháng này, Trung Quốc có cuộc tập trận lớn qua sông Brahmaputra (mà Trung Quốc gọi là Yalung Yangbo) ở Tây Tạng. Cuộc tập trận tập trung vào bổ sung nhiên liệu, cung cấp lương thực và vận chuyển đạn dược.
Một lĩnh vực căng thẳng khác giữa hai nước là Biển Đông. Quyết định của Ấn Độ trong việc rút lui khỏi hai lô thăm dò dầu khí hồi đầu năm nay được coi là sự rút lui của New Delhi khỏi các tranh chấp ở vùng biển này. Tuy nhiên, sau đó, tập đoàn ONGC của Ấn Độ tuyên bố sẽ tiếp tục tham gia hoạt động thăm dò với đối tác Việt Nam.
Việc sử dụng ngoại giao quân sự là một dấu hiệu cho thấy mức độ ngày càng tinh vi trong chính sách đối ngoại và an ninh Trung Quốc. Mục tiêu của các tướng Trung Quốc là thuyết phục các nước mà họ tới thăm rằng, sự hiện đại hóa quân sự của họ không nhằm mục tiêu gây mất ổn định khu vực.
Nói một cách khác, Ấn Độ không nên lo lắng vì mối quan hệ của Trung Quốc với Bangladesh và Sri Lanka. Dĩ nhiên Pakistan là trường hợp đặc biệt. Nhưng ở đây có một mục tiêu lớn hơn. Bắc Kinh rất ngại bị Mỹ “kiềm chế”.
Vì lý do này, họ duy trì quan hệ tốt với Nga và ủng hộ bằng con đường ngoại giao về vấn đề Syria. Tương tự như thế, Trung Quốc đang thực thi một chính sách khá phức tạp mà qua đó vừa để duy trì quan hệ hữu nghị với Pakistan; vừa giữ vững lập trường cứng rắn trong tranh chấp biên giới với Ấn Độ, thậm chí trong lúc phải cố đảm bảo rằng, New Delhi - với nỗ lực chậm trễ trong hiện đại hóa quân sự - sẽ không rơi vào tay của Mỹ.
Các mục tiêu tương tự được áp dụng với những nước ASEAN mà Trung Quốc có tranh chấp biên giới hàng hải. Và nghĩa là Ấn Độ không có gì phải lo ngại từ Trung Quốc.
Năm nay đánh dấu năm thứ 50 cuộc chiến biên giới Trung-Ấn chớp nhoáng năm 1962. Việc hiện đại hóa quân sự Ấn Độ có thể chậm trễ nhưng nước này vẫn sở hữu các lực lượng đủ để bảo vệ chính họ. Và quan trọng hơn, đối lập với năm 1962, Ấn Độ có đã có một sự “nhận thức tình huống” lớn hơn nhiều.
Hơn thế nữa, quân đội Trung Quốc có thể mạnh, nhưng nước này đang phải đối mặt với nhiều thách thức chính trị, xã hội. Tăng trưởng đang bị chậm lại, nhiều vấn đề chính trị đặt ra nhất là sau vụ bê bối Bạc Hy Lai. Sau nhiều thập niên, Tây Tạng vẫn là mối lo với Bắc Kinh…
Và rõ ràng, con đường duy nhất để đạt được mối quan hệ hòa bình, hữu ích với người hàng xóm lớn Trung Quốc là duy trì khả năng phòng thủ đáng tin cậy - kể cả hạt nhân lẫn thông thường.
Thái An (theo Daily Mail)