- Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thanh Long cho biết tiến trình sửa đổi các luật Phòng, chống tham nhũng, Hình sự, Tố tụng hình sự… được xác định là “làm cho pháp luật ‘có răng có lợi’ để cắn đau hơn”.

>> Quyết tâm thu hồi tiền bị tham nhũng
>> Có thể cách chức 'sếp' nếu để tham nhũng

Tại hội nghị truyền thông kết quả thực hiện Công ước LHQ về chống tham nhũng hôm nay (7/9) ở Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết có 145 nội dung tự đánh giá liên quan đến hình sự hóa và thực thi pháp luật cũng như hợp tác quốc tế.

Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh: Dự thảo luật Phòng, chống tham nhũng có thêm nhiều nội dung mới. Ảnh: Chung Hoàng

Theo kết quả tự đánh giá, Việt Nam đã ban hành, tuân thủ và thực hiện đầy đủ 77% các yêu cầu này; đã ban hành, tuân thủ nhưng chưa thực hiện đầy đủ 16% các yêu cầu; chưa ban hành và chưa thực hiện đầy đủ 5%.

14 yêu cầu chưa được tuân thủ có các điều như hình sự hóa tội làm giàu bất chính, tội hối lộ trong khu vực tư, trách nhiệm pháp nhân… Theo TTCP, đây là những điều khoản Việt Nam đã bảo lưu và tuyên bố không bị ràng buộc khi phê chuẩn Công ước năm 2009.

Trong 29 yêu cầu chưa được tuân thủ đầy đủ có hình sự hóa các tội hối lộ công chức, tham ô tài sản trong khu vực tư, rửa tiền, việc bảo vệ nhân chứng, chuyên gia, nạn nhân và người tố cáo…

Theo Phó cục trưởng Cục chống tham nhũng của TTCP Ngô Mạnh Hùng, các điều khoản chưa tuân thủ hoặc chưa tuân thủ đầy đủ còn do pháp luật Việt Nam chưa đủ đáp ứng. Việc sửa đổi luật Phòng, chống tham nhũng tới đây phải khắc phục dần.

Theo chuyên gia về chống tham nhũng của UNDP Jairo Acuna-Alfaro, khung pháp lý về chống tham nhũng ở Việt Nam đã khá hoàn thiện, vấn đề chỉ còn là thực thi. “Chính phủ Việt Nam đã cố gắng nhiều nhưng vẫn cần nỗ lực hơn nữa để ‘quét sạch ngôi nhà’”, ông Alfaro nói.

Đề cập đến việc sửa đổi luật Phòng, chống tham nhũng, chuyên gia UNDP chỉ ra cái thiếu chính là các biện pháp chế tài thật mạnh tay với tham nhũng. “Các luật liên quan như Hình sự, Tố tụng hình sự cần có những điều khoản kiên quyết hơn với tội phạm tham nhũng. Hiến pháp sửa đổi cũng cần đảm bảo tính độc lập của cơ quan phòng, chống tham nhũng”, ông Alfaro kiến nghị.

Đồng ý với nhận định của chuyên gia quốc tế, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thanh Long cho biết tiến trình sửa đổi các luật Phòng, chống tham nhũng, Hình sự, Tố tụng hình sự… được xác định là “làm cho pháp luật ‘có răng có lợi’ để cắn đau hơn”.

“Chúng tôi cũng xác định Việt Nam cần nâng cao năng lực thực thi pháp luật trong phòng chống tham nhũng”, ông Long khẳng định. Bên cạnh đó là nâng cao năng lực và tinh thần trách nhiệm trong xét xử các vụ án tham nhũng như chia sẻ của Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Tống Minh Hào.

Tại hội nghị, các đại diện quốc tế cũng khuyên Việt Nam chủ động đánh giá những nhóm yêu cầu khác của Công ước để có cái nhìn toàn diện hơn về thực trạng phòng, chống tham nhũng.

Chia sẻ với báo chí bên lề hội nghị, Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho biết kết quả tự đánh giá này, cùng với việc tổng kết 5 năm thực hiện luật Phòng chống tham nhũng, cung cấp cứ liệu cho việc kiến nghị sửa đổi luật này, dự kiến trình QH cuối năm nay.

“Có một số kiến nghị như mở rộng đối tượng kê khai tài sản, công khai kết quả kê khai, trách nhiệm giải trình đối với tài sản tăng thêm, đình chỉ và điều chỉnh công tác đối với người có dấu hiệu vi phạm, tổ chức Ban chỉ đạo…”.

Ông cho biết dự thảo luật tăng thêm nhiều nội dung mới so với luật hiện hành.

Chung Hoàng