- Dân trí đã cao hơn trước rất nhiều, do đó khi sửa Hiến pháp, cần lấy ý kiến nhân dân ít nhất 4 tháng, thậm chí 6 tháng và phải làm cho thực chất.

 
Đó là kiến nghị của chuyên gia Trần Ngọc Đường và nhiều đại biểu dự hội thảo “Quy trình, thủ tục, cách thức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992" do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức tại TP.HCM ngày 10 và 11/9.
 
Không chiếu lệ, qua loa
 
Đồng quan điểm, ông Đặng Minh Tuấn, khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội dẫn chứng: Ở Đông Timor, Hội đồng Hiến pháp thường xuyên tổ chức họp báo về các dự thảo hiến pháp, đồng thời tổ chức 10 ngày tham vấn công chúng về các vấn đề chủ yếu của dự thảo.

GS.TS Trần Ngọc Đường (trái) trao đổi với đại biểu dự hội thảo
 
“Nhưng giai đoan tham vấn này quá ngắn đã không cho phép Hội đồng Hiến pháp tiếp cận đầy đủ các nhóm xã hội, hoặc không cho phép các nhóm này đủ cơ hội thích hợp để tham gia góp ý cho các dự thảo”, ông Tuấn nói.
 
Tại Nam Phi, Hội đồng Hiến pháp dành khoảng hơn nửa năm để thực hiện các chiến dịch tham vấn người dân về dự thảo Hiến pháp.
 
“Do đó, nhân dân cần có đủ thời gian để tham vấn một cách có hiệu quả. Thời gian ngắn quá không cho phép nhân dân có khả năng nhận thức, đánh giá các vấn đề trong dự thảo hiến pháp. Thời gian càng dài càng giúp cho nhân dân có cơ hội đưa ra ý kiến”, TS Tuấn nhấn mạnh. 
 
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cũng cho rằng ngay cả một dự luật bình thường cũng đưa lên web tới 2 tháng để lấy ý kiến dân. 
 
“Hiến pháp là đạo luật cao nhất nên không thể nào lấy ý kiến giống như các luật khác mà cần phải lấy ý kiến kéo dài hơn. Tuy nhiên, thời gian không còn nhiều vì dự kiến cuối năm 2013, Quốc hội đã phải thông qua Hiến pháp mới, kéo theo đó Quốc hội sẽ ban hành luật mới về tổ chức nhà nước, quốc hội…nên Ban soạn thảo sẽ xin ý kiến Ủy  ban Thường vụ Quốc hội. Trước khi lấy ý kiến nhân dân sẽ công bố toàn văn và hướng dẫn, giải thích cho dân hiểu cặn kẽ để lấy ý kiến một cách thực chất, tuyệt đối không làm cho có, chiếu lệ, qua loa” - ông Thảo nói.
 
Đa dạng hình thức 
 

Cũng theo ông Đặng Minh Tuấn, để bảo đảm sự tham gia nhiều hơn của các tầng lớp trong xã hội, cũng cần có sự “đa dạng hóa các hình thức lấy ý kiến nhân dân” - các đại hội toàn quốc, tranh luận bàn tròn, tham vấn người dân ở địa phương, tham vấn các tổ chức xã hội dân sự, trưng cầu dân ý… Ngoài ra ông cũng cho rằng phải có hình thức tham vấn thông qua báo chí vì chính báo chí giúp cho người dân có khả năng tham gia dễ dàng và hiệu quả hơn vào công việc của nhà nước. 
 
“Bên cạnh đó, với sự phát triển của khoa học công nghệ, chúng ta có nhiều cơ hội để lấy ý kiến người dân: Tạo website chính thức về quá trình sửa đổi Hiến pháp, trong đó có việc lấy ý kiến về dự thảo Hiến pháp; xây dựng các kênh truyền hình thực tế; đài phát thanh; các tờ báo chuyên đề, tin tức; chia sẻ trên facebook…”, ông Tuấn nói. 
 
Ông dẫn chứng, Nam Phi có tờ tin Hiến pháp ra hai tuần một số có tên gọi: “Nói chuyện Hiến pháp” (160.000 bản tin được phát hàng tuần), sổ tay, truyện tranh và website chính thức do trường ĐH Cape Town xây dựng. Ngoài ra, còn có một chương trình truyền hình hàng tuần để thúc đẩy tranh luận về các vấn đề Hiến pháp, ví dụ như về hình phạt tử hình. Nước này cũng có chương trình phát thanh 1 giờ được phát bằng 8 thứ tiếng và được tiếp sóng đến 10 triệu người dân Nam Phi hàng tuần .
 
 Đoàn Nam Tiến