- Qua báo cáo của Chính phủ và của đoàn giám sát QH về việc thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vấn đề nổi lên nan giải là làm thế nào giải quyết đất ở và đất sản xuất cho hơn 300 nghìn hộ trong mấy năm tới.
Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của QH Ksor
Phước. Ảnh: VietNamNet
Báo cáo của Chính phủ trước Thường vụ QH chiều 13/9 cho biết từ nay cho đến năm 2016, có 326.909 hộ đồng bào dân tộc thiểu số cần được hỗ trợ về đất ở và đất sản xuất.
Tính ra số hộ này tương đương 2 triệu người, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng muốn biết có giải pháp nào và bao giờ có thể giải quyết xong nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho họ.
Cả Ủy ban Dân tộc của Chính phủ và Hội đồng Dân tộc của QH đều nhận định đây là một bài toán khó. Nguyên nhân lớn nhất là "nhiều địa phương không còn quỹ đất để cấp cho đồng bào".
"Đây cũng là khó khăn lớn nhất, vùng nào cũng gặp phải", Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói. "Có những vùng nghiêm trọng đến nỗi không có nguồn đất như các vùng núi đá ở Cao Bằng, Hà Giang…"
"Trong khi ở đồng bằng sông Cửu Long, đất tốt thì nhiều nhưng đều đã có chủ, muốn lấy lại để cấp cho đồng bào có lẽ tốn rất nhiều tiền", ông Phước chỉ ra.
"Nhiều nơi, đất khai hoang để cấp cho đồng bào không còn hoặc còn nhưng rất ít. Có nơi có thể khai hoang được thì phải đầu tư nhiều kinh phí; đất phân tán, rải rác ở xa nơi ở, thường là đất xấu, nhiều sỏi đá hoặc thiếu nước, sản xuất khó khăn, kém hiệu quả. Có nơi giá đất quá cao, với mức hỗ trợ và thêm cả phần vốn vay theo quy định hiện hành cũng không đủ để thực hiện", báo cáo của Chính phủ nêu.
Vì vậy Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc bày tỏ "có cho 10 tỷ đồng cũng không thể giải quyết nhanh được".
Bên cạnh nguyên nhân khách quan là "đất không nở ra nữa", báo cáo cũng chỉ ra những nguyên nhân chủ quan như công tác quy hoạch cơ sở hạ tầng ảnh hưởng nhiều đến đất sản xuất, đất ở của đồng bào, việc di dời tái định cư cho đồng bào để giao đất xây dựng công trình chưa tính đến văn hoá, phong tục tập quán, điều kiện sản xuất của đồng bào, khiến đồng bào không ổn định sinh sống và sản xuất được ở nơi định cư mới.
Còn có một nguyên nhân mà nhiều ủy viên Thường vụ nêu là do quản lý không hiệu quả, nhiều trường hợp đồng bào được giao đất vì nhiều nguyên nhân lại bán, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp..., dẫn đến tình trạng "tái thiếu đất".
Tình trạng tách hộ khá phổ biến ở các địa phương miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long cũng là một nguyên nhân trực tiếp liên tục làm tăng số đồng bào không có đất ở, đất sản xuất.
Chính vì vậy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB Dân tộc Giàng Seo Phử nhận định giải quyết vấn đề không những không thể trong một sớm một chiều mà còn không bao giờ kết thúc.
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển chỉ ra một số giải pháp như quy hoạch, phân bố lại đất đai, đặc biệt ra soát các nông lâm trường quốc doanh, hiện đang chiếm hơn 4 triệu ha đất, để chuyển những diện tích hoang hóa hoặc sử dụng không hiệu quả, sai mục đích cho đồng bào sản xuất; hoặc mua lại đất để giao cho đồng bào...
Tuy nhiên, đồng ý với ông Ksor Phước rằng "không thể cứ nhìn vào đất để giải quyết", đa phần ý kiến trong Thường vụ đều đồng tình cần các giải pháp căn cơ hơn về kinh tế xã hội như thay đổi cơ cấu sản xuất, tạo việc làm phi nông nghiệp, dạy nghề, xuất khẩu lao động...
"Cần một tư duy đột phá khi đầu tư vào các vùng đặc thù này", ông Phước nhấn mạnh.
Theo ông Phước, vẫn còn có sự lúng túng trong thực tiễn, từ trung ương đến địa phương, trong việc tìm hướng giải quyết đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong tình hình đồng bào di cư ngày càng nhiều, nhưng đây là vấn đề hết sức quan trọng, bởi các vùng dân tộc thiểu số đều có ý nghĩa trọng yếu về quốc phòng, an ninh.
Chung Hoàng