Trong chương trình chuyến công du châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, có mục tiêu nỗ lực tháo gỡ căng thẳng hai cuộc tranh cãi đang ngày một leo thang.

Một cuộc tranh chấp là giữa Nhật và Trung Quốc, và một là tranh cãi giữa Nhật với Mỹ.

Mỹ đang ngày càng lo ngại rằng, các tranh chấp lãnh thổ ở Thái Bình Dương vô tình có thể bùng nổ thành xung đột, đồng thời cũng hy vọng có thể thoát khỏi những cạm bẫy trong mối quan hệ của chính họ với Nhật. Những cạm bẫy ấy có thể đe dọa làm hỏng việc triển khai máy bay vận tải quân sự mới của Mỹ tới Nhật.

Khi căng thẳng lên cao giữa Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh tranh chấp đảo ở Hoa Đông, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Trung Quốc vào hôm thứ bảy về quyết định mua ba trong số nhóm đảo tranh chấp từ chủ sở hữu tư nhân của Tokyo.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và người đồng nhiệm Nhật Bản Satoshi Morimoto. Ảnh: AP

Ông Panetta, người sẽ tới Bắc Kinh sau chuyến thăm Tokyo nói rằng, Mỹ hy vọng các tranh chấp lãnh thổ ở cả Hoa Đông và Biển Đông có thể được giải quyết một cách hòa bình.

Căng thẳng ở Biển Đông trong vài tháng gần đây cũng gia tăng mạnh. "Những gì chúng tôi không muốn là bất kỳ hành vi khiêu khích nào từ phía Trung Quốc hay bên nào khác dẫn tới xung đột”, ông Panetta nói trong cuộc họp báo trên máy bay khi trên đường đến Nhật. Theo ông, các hành vi khiêu khích có thể dẫn tới khả năng hiểu nhầm và cuối cùng là bạo lực bùng phát. “Xung đột ấy sẽ có khả năng lan rộng”, ông cảnh báo.

Hôm thứ hai, ông Panetta đã có cuộc gặp với người đồng nhiệm Nhật Bản Satoshi Morimoto cùng Ngoại trưởng Koichiro Gemba. Ông sẽ tới căn cứ không quân Yokota gặp gỡ quân đội Mỹ đóng tại đây trước khi lên đường tới Bắc Kinh. Đây là chuyến công du thứ ba của ông Panetta đến châu Á trong vòng 11 tháng. Theo giới phân tích, động thái này phản ánh sự thay đổi của Lầu Năm Góc khi hướng tập trung quân sự vào khu vực Thái Bình Dương.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc còn có sứ mệnh tháo gỡ căng thẳng trong một vụ việc mà Mỹ có liên quan trực tiếp hơn. Những cuộc biểu tình vài tuần nay đang tăng mạnh tại Okinawa, Nhật Bản xung quanh kế hoạch Mỹ triển khai máy bay vận tải quân sự V-22 Osprey. Các quan chức Nhật đã quan ngại về sự an toàn và hồ sơ vận hành của loại máy bay này. Họ đã thành công trong việc ngăn chặn triển khai máy bay tới Okinawa. Những chiếc V-22 đầu tiên đã tới căn cứ Mỹ tại Iwakuni, và chưa được phép đến Okinawa.

Thăm Nhật từ cuối tuần, ông Panetta không đề cập trực tiếp tới những bất đồng xung quanh vấn đề trên, nhưng ông đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Nhật cũng như vai trò của Nhật đối với việc triển khai lực lượng Mỹ trong khu vực.

Các quan chức Nhật đã tập trung vào các vụ việc gần đây xảy ra với V-22 Osprey - loại máy bay hỗn hợp có cánh quạt giúp cất cánh như một trực thăng và động cơ đẩy về phía trước giúp nó hoạt động như một máy bay phản lực. Người dân ở Okinawa hy vọng hạn chế độ cao mà Osprey có thể bay nhưng phía Mỹ phản đối các hạn chế này.

Trong cuộc họp báo ngắn tại Washington hôm thứ sáu tuần trước, một quan chức cao cấp quốc phòng Mỹ nói rằng, Mỹ “mong đợi” đạt được tiến triển về vấn đề Osprey và Tokyo - Washington đã có cuộc đối thoại tích cực về việc triển khai loại máy bay mới.

"Chúng tôi đã có một quá trình lâu dài, hợp tác và xây dựng để dẫn tới sự hiểu biết, minh bạch hơn và giúp chúng tôi đạt được tiến bộ về vấn đề này”, vị quan chức nhấn mạnh.

Tuy vậy, dù đạt được hợp tác và minh bạch, ít nhiều vẫn còn những lo lắng tại Okinawa về sự hiện diện tiếp tục của lực lượng thuỷ quân lục chiến Mỹ cũng như kế hoạch của họ trong việc triển khai Osprey.

Ở một tin tức mới nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hôm thứ hai cho hay, quan chức Mỹ - Nhật đã nhất trí thiết lập hệ thống phòng thủ thứ hai tại Nhật để bảo vệ nước này khỏi mối đe dọa tấn công tên lửa từ Triều Tiên. Vị trí chính xác của hệ thống này chưa được nói rõ. Theo quan chức Mỹ, nó sẽ nằm ở phía nam nước Nhật, nhưng không ở Okinawa.

Quan chức hai bên khẳng định rằng, hệ thống phòng thủ là để bảo vệ khu vực khỏi mối đe dọa từ Triều Tiên và không nhằm vào Trung Quốc. Mỹ đã có các hệ thống ra đa cảnh báo sớm tương tự triển khai trên tàu tại châu Á - Thái Bình Dương.

Hệ thống thứ hai thiết lập ở Nhật sẽ cho phép các tàu Mỹ mở rộng phạm vi quan sát tới các phần khác ở châu Á - Thái Bình Dương.

Thái An (theo Wall Street Journal, AP, Fox News)