Gặp gỡ một vị tướng cấp cao của Mỹ, tướng Thái Anh Đĩnh, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc đã mạnh mẽ phản đối việc Mỹ mở rộng hiện diện quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương.

Ông này mô tả đây như là một nỗ lực để bao vây Trung Quốc.

"Tại sao các ông lại kiềm chế chúng tôi?”, tướng Thái hỏi, theo lời một quan chức Mỹ có mặt trong cuộc gặp và mô tả lại sự việc.

Tướng Mỹ bác bỏ việc tìm kiếm khả năng kiềm chế Trung Quốc, song dễ dàng nhận thấy vì sao các quan chức Bắc Kinh lại có ấn tượng như vậy.

Chính quyền của Tổng thống Obama đang tăng cường các mối quan hệ với những quốc gia gần Trung Quốc như Ấn Độ, Philippines, Indonesia hay Singapore; sắp xếp lại quân đội, máy bay, tàu chiến; đẩy mạnh viện trợ ở Nam Thái Bình Dương...

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon E. Panetta có lẽ sẽ đối mặt với nhiều câu hỏi sắc sảo hơn khi ông tới Bắc Kinh và có cuộc hội đàm với người đồng nhiệm Lương Quang Liệt. Ông đang thực hiện chuyến công du tới châu Á, trong đó có Nhật Bản và New Zealand.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ có chuyến công du đầu tiên tới Trung Quốc. Ảnh: msn

Ông Panetta lần đầu tiên tới thăm Trung Quốc, nhưng đây là lần thứ ba ông tới khu vực kể từ khi ông nắm quyền lãnh đạo Lầu Năm Góc tháng 7/2011. Chuyến công du diễn ra trong thời điểm Washington nỗ lực tăng cường liên minh, củng cố lực lượng để đối trọng với ảnh hưởng ngày một lớn của Trung Quốc ở châu Á và Thái Bình Dương.

Trong một động thái mới nhất, quan chức Mỹ cho hay hy vọng sẽ nối lại các chuyến thăm của tàu chiến thuộc lực lượng Hải quân Mỹ tới New Zealand lần đầu tiên kể từ năm 1984. Mặc dù đây là đồng minh thân cận nhưng Mỹ đã tạm ngừng hiệp ước phòng thủ chung và hầu hết hợp tác quân sự sau khi New Zealand thông qua đạo luật cấm các tàu chở vũ khí hạt nhân hoặc sử dụng năng lượng hạt nhân trên vùng biển của mình.

Các quan chức Mỹ cho hay, hiện họ đang thăm dò xem liệu New Zealand có thể huỷ bỏ lệnh cấm với các tàu hạt nhân có mặt trong hạm đội Mỹ như tàu ngầm, tàu sân bay hay không. Tuy vậy, Lầu Năm Góc cũng đang cân nhắc việc thay đổi chính sách khi điều động các tàu Hải quân phi hạt nhân đến New Zealand.

Kết quả là, ông Panetta sẽ là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đầu tiên tới thăm New Zealand trong hơn ba thập niên qua. Theo các quan chức Mỹ, một giải pháp cho tranh cãi kéo dài giữa hai nước sẽ cho phép hai bên thực hiện thêm nhiều cuộc diễn tập hải quân ở Nam Thái Bình Dương.

Theo giới quan sát, một cuộc cạnh tranh ảnh hưởng đang nổi lên ở Nam Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào những đảo quốc nhỏ bé bằng việc xây dựng đường sá, cầu cảng và các dự án phát triển khác. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hai tuần trước đây đã tham dự một diễn đàn khu vực tại quần đảo Cook ở phía đông bắc New Zealand.

Lầu Năm Góc đang sắp xếp lại 9.000 lính thuỷ đánh bộ thành bốn lực lượng phản ứng tại Guam, Hawaii, đảo Okinawa and, và luân phiên 6 tháng tại một căn cứ ở phía bắc Australia. Ba phi đội máy bay chiến đấu F-22 cũng sẽ được đưa tới khu vực.

Hải quân Mỹ cũng sẽ đưa 4 tàu tuần duyên hạng nhẹ tới Singapore. Các tàu này sẽ hoạt động ở khu vực chiến lược là eo biển Malacca giữa Malaysia và đảo Sumatra của Indonesia - một tâm điểm vận chuyển thương mại và dầu mỏ - cũng như Biển Đông, vùng biển giàu năng lượng nơi đang xảy ra tranh chấp gay gắt giữa Trung Quốc và một số nước khác.

Chính quyền của Tổng thống Obama cũng đang thương thảo với Philippines để có thể tiếp cận trở lại với căn cứ hải quân ở vịnh Subic và căn cứ không quân Clark.

Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cũng hy vọng tiếp cận trở lại với căn cứ không quân U-Tapao ở Thái Lan.

Kể từ khi Nhà Trắng tuyên bố xoay trục hướng về châu Á, một số nhà phân tích chỉ trích rằng, đây là tuyên bố nặng về hình thức chứ không phải thực tế trong bối cảnh Lầu Năm Góc đứng trước áp lực cắt giảm ngân sách. Ông Panetta sẽ đối mặt với thời khắc khó khăn để thuyết phục giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc rằng, các động thái của Mỹ không nhằm vào họ.

Khi người tiền nhiệm của ông, Robert M. Gates, tới Bắc Kinh đầu năm 2011, không quân Trung Quốc đã tiến hành chuyến bay thử đầu tiên với một loại máy bay chiến đấu tàng hình. Theo giới quan sát, động thái ấy cho thấy, quân đội Trung Quốc coi hai nước là đối thủ hơn là đối tác tiềm năng.

Thái An (theo nydailynews)