- Thảo luận dự thảo luật Xuất bản sửa đổi chiều 17/9, Thường vụ QH lưu tâm về việc quản lý các xuất bản phẩm điện tử.
Xuất bản điện tử đã xuất hiện và đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới cũng như ở Việt Nam. "Đây là một hình thái mới của hoạt động xuất bản, còn có nhiều thay đổi khó dự báo trước trong thời gian tới", dự thảo báo cáo thẩm tra của Thường vụ QH nhận định.
Khi thảo luận lần đầu dự luật này tại kỳ họp trước, đã có nhiều ý kiến ĐB đề nghị có một chương riêng để điều chỉnh hoạt động xuất bản điện tử. Song vì kinh nghiệm của Việt Nam về vấn đề này còn hạn chế nên luật Xuất bản sửa đổi lần này chỉ quy định mang tính nguyên tắc về phương thức xuất bản.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng sách chính trị, an ninh, quốc phòng... không nên liên kết xuất bản. Ảnh: TTXVN |
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nêu lo ngại về việc nhiều xuất bản phẩm không rõ nguồn gốc trên mạng Internet gần đây có nội dung xuyên tác, kích động hoặc bạo lực, đồi trụy..., ảnh hưởng xấu đến xã hội. Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cũng lo "sách báo còn thu hồi được chứ xuất bản trên mạng thì thu hồi làm sao".
Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi chỉ rõ cần phân biệt giữa xuất bản phẩm điện tử (có quy trình hợp pháp do các nhà xuất bản thực hiện như các xuất bản phẩm thông thường và sẽ được luật này điều chỉnh) và những tài liệu phát tán trên mạng (được dẫn chiếu đến các quy định đã có về quản lý thông tin trên Internet).
Qua đó, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, luật phải chặt chẽ hơn để "không để lọt những xuất bản phẩm có nội dung xấu qua cánh cửa nhà xuất bản". Vì để đến lúc phải thu hồi thì tác dụng rất ít. "Càng thu hồi càng khiến người ta tìm đọc", ông Sinh Hùng nói.
Dự thảo luật cũng bổ sung các điều khoản về liên kết xuất bản.
"Theo quy định của luật hiện hành, khâu biên tập chủ yếu vẫn thuộc trách nhiệm của nhà xuất bản. Nhưng trên thực tế, đối tác liên kết lại thực hiện hầu như toàn bộ khâu này, từ tổ chức đến biên tập bản thảo, nhà xuất bản chỉ quyết định xuất bản, mà thường là thiếu sự thẩm định nghiêm túc. Trong khi đó, luật quy định trách nhiệm của đối tác liên kết chưa cụ thể và khó phân định khi xử lý vi phạm", dự thảo báo cáo thẩm tra của Thường vụ QH nhận định.
Dự thảo luật công nhận hình thức liên kết xuất bản mới (mà trên thực tế đã hình thành một cách tự phát), trong đó đối tác liên kết được thực hiện một số công đoạn ban đầu của khâu biên tập (biên tập sơ bộ) bản thảo và do đó phải cùng với nhà xuất bản chịu trách nhiệm trước pháp luật và xã hội về nội dung cũng như chất lượng xuất bản phẩm, còn nhà xuất bản đảm nhận trách nhiệm biên tập hoàn chỉnh, thẩm định nội dung văn hoá, tư tưởng và quyết định xuất bản xuất bản phẩm.
Theo tinh thần đó, cơ sở liên kết xuất bản phải có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và chịu trách nhiệm pháp lý về hoạt động liên kết của mình.
Do nhận thấy nhiều sai phạm trong xuất bản gần đây nảy sinh ở khâu liên kết xuất bản, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng nhà xuất bản vẫn phải có trách nhiệm chính từ lúc đăng ký đến khi ra sản phẩm cuối cùng.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng góp ý với các xuất bản phẩm có nội dung chính trị, quốc phòng, an ninh... thì không nên liên kết xuất bản.
Luật Xuất bản sửa đổi sẽ được cho ý kiến lần cuối và thông qua tại kỳ họp QH cuối năm nay.
- Chung Hoàng