Một số vụ án lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước nhưng lại không phát hiện được hành vi tham nhũng hoặc ban đầu khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng nhưng sau đó lại chuyển sang các tội danh khác nhẹ hơn.
Đó là một trong những nhận định của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012 của Chính phủ.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc
Sơn: “Dân không bao giờ muốn có tham nhũng, mà vì quan tham ‘đòi
ăn’ mới giải quyết việc nên họ buộc lòng phải ‘cho ăn”.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp chỉ ra: “…việc xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng, nhất là các vụ án tham nhũng đặc biệt lớn chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn nhiều người có hành vi tham nhũng với tài sản có giá trị lớn nhưng chỉ bị xử phạt kỷ luật hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo”.
Đặc biệt, ủy ban này nhận định nhiều vụ án, bị can trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã được thay đổi sang tội danh nhẹ khác hơn.
“Thực tế cho thấy, một số vụ án lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước nhưng lại không phát hiện được hành vi tham nhũng hoặc ban đầu khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng nhưng sau đó lại chuyển sang các tội danh khác nhẹ hơn như tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gậy hậu quả nghiêm trọng, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng… đã gây bất bình, bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và quần chúng nhân dân” – theo báo cáo.
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu
Các ủy viên Thường vụ cho rằng họ vẫn chưa thấy bức tranh rõ ràng về tình trạng tham nhũng trong báo cáo dễ lẫn lộn số liệu về các trường hợp tham nhũng, có dấu hiệu tham nhũng hay chỉ là kết quả hoạt động của các cơ quan có chức năng chống tham nhũng.
Năm 2012 đã có 44 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, song việc xử lý trách nhiệm này chưa được quy định rõ ràng cụ thể - theo báo cáo. |
Không đồng tình với bản báo cáo “chung chung” khi các cơ quan liên quan vẫn còn tâm lý “cả nể, dĩ hòa vi quý”, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thúc giục Chính phủ phải đạt được “đột phá” trong phương hướng chống tham nhũng.
Chủ nhệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, nên chọn khâu đột phá cho năm 2013 là “xử lý trách nhiệm người đứng đầu”.
Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cũng cho rằng cần tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng.
Liên quan đến bản báo cáo, nhiều ý kiến thảo luận chưa đồng tình nhận định cho rằng việc tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân trong phòng, chống tham nhũng vẫn còn một số hạn chế; một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, người dân chưa có hành động quyết liệt trong việc đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, ngược lại còn đồng tình, tiếp tay cho hành vi tiêu cực, tham nhũng để giành được lợi thế trong kinh doanh hoặc được “ưu tiên” giải quyết công việc.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nói: “Dân không bao giờ muốn có tham nhũng, mà vì quan tham ‘đòi ăn’ mới giải quyết việc nên họ buộc lòng phải ‘cho ăn”.
Báo cáo này sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4 vào cuối tháng 10 tới.
Chung Hoàng