- Cầm trên tay tập báo cáo dày dặn do đoàn giám sát về tình hình giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai thực hiện, một vị chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội đã không đừng được mà thốt lên “Tình hình thì bức xúc mà báo cáo của chúng ta cứ bình bình như vậy là không được”.
Dự án Luật đất đai: "Cứ tù mù, còn khiếu kiện"
Long đong như… Luật Đất đai
Còn nhớ tại kỳ họp thứ hai, khi QH biểu quyết thông qua chương trình giám sát tối cao về đất đai, nhiều người đã kỳ vọng kết quả của đợt giám sát sẽ góp thêm tiếng nói cho vấn đề sửa Luật đất đai. Trong hơn nửa năm, đoàn giám sát cũng đã đi thực tế tại hơn hai mươi tỉnh, thành và cũng đã kịp tổng hợp báo cáo của 62 tỉnh, 8 bộ ngành.
Tình hình khiếu nại, tố cáo được đánh giá là rất nghiêm trọng, với hơn một nửa các quyết định hành chính về đất đai là quyết định sai. Với những quyết định đúng, dân vẫn khiếu kiện, như vậy hệ thống chính sách pháp luật có vấn đề…
Tình hình nghiêm trọng đến mức ngay Chủ tịch Quốc hội cũng lo rằng nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự xã hội.
Vậy, Quốc hội đã đúng khi chọn giám sát vào trúng ngay vấn đề đang bức xúc, lại trùng thời điểm sửa Luật đất đai. Nhưng kết quả của đợt giám sát lại gây thất vọng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện. “Vậy Quốc hội giám sát cho ai, ai sẽ tiếp thu đây?”Ảnh: Lê Nhung |
Tình hình sai phạm được nêu rất chung chung “ở một số nơi, có một số việc”…, rồi những kiến nghị tản mạn mà rất nhiều thành viên thường vụ nhận xét rằng, không phân biệt rõ đâu là các phát hiện riêng của đoàn giám sát với các thống kê từ con số báo cáo của chính quyền các cấp.
Vậy chẳng hóa ra, QH lập đoàn giám sát tối cao với đầy đủ ban bệ đi xuống địa phương lại chỉ để nghe báo cáo? Vì vậy mà các sai phạm đều không có địa chỉ. Hoặc nếu có, thì cũng là những câu chuyện vốn đã được truyền thông nhắc đến nhiều, đó là chuyện cưỡng chế ở Tiên Lãng (Hải Phòng), ở Văn Giang (Hưng Yên).
Vẫn biết đoàn giám sát của Quốc hội không có chức năng như cơ quan thanh tra Chính phủ hay kiếm toán nhà nước nhưng đã tốn công, tốn của về tận địa phương, không lẽ Quốc hội lại không nhìn thấy từng địa chỉ sai phạm để lưu ý, nhắc nhở.
Ngay Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cũng phàn nàn, đọc bản báo cáo dày dặn chỉ ra cơ man hạn chế mà tổng kết lại cũng vẫn chưa chỉ ra được trách nhiệm từng cá nhân, từng tập thể đã ra quyết định sai làm khổ dân.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý không đừng được và phải thốt lên: “Tình hình thì bức xúc mà báo cáo của chúng ta cứ bình bình như vậy là không được”.
“Phê” nhau ở giữa cuộc họp hẳn cũng vì việc chẳng đặng đừng. Bởi theo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, “Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì Đoàn giám sát có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan áp dụng các biện pháp để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm và khôi phục lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị vi phạm; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật”.
Nhưng một cuộc giám sát không chỉ rõ được địa chỉ sai phạm thì khó lòng đưa ra được kiến nghị xử lý trách nhiệm của một ai đó.
Chung quy vẫn là căn bệnh nể nang, né tránh và không thể giải quyết được tận gốc vấn đề. Nói như ông Phan Trung Lý “trách nhiệm vẫn chỉ được nêu rất chung chung mà ở bản báo cáo nào, nội dung gì cũng có. Cứ nói là đánh giá cao quản lý nhà nước, có cố gắng, có nhiều tiến bộ, tiến bộ gì mà sai nhiều thế. Gần chục năm rồi, cứ lặp đi lặp lại”.
Như vậy, hiệu lực, hiệu quả của giám sát tối cao ở Quốc hội có còn như mong đợi của người dân. Và các cơ quan, ban ngành chịu sự giám sát có lẽ cũng đã “lờn”. Họ không cần phải đến để nghe lại những thông tin đã cũ hay đến để giải trình hoặc cam kết một điều gì đó vì cũng không ai buộc họ phải chịu trách nhiệm.
Trở lại với cuộc họp vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đã tỏ thái độ lấy làm lạ vì không có một vị đại diện cho bộ, ngành nào của Chính phủ xuất hiện. “Vậy Quốc hội giám sát cho ai, ai sẽ tiếp thu đây?”, ông Hiện nêu câu hỏi. Có lẽ, đọc hết bản báo cáo mờ nhạt nói trên, ông sẽ có câu trả lời.
Biết bao lần thảo luận về đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, chuyện đáng bàn nhất vẫn chính là có dám nói thẳng, nói thật. Thêm một điều nữa là chế độ ràng buộc trách nhiệm của Chính phủ trước Quốc hội đang ngày được làm rõ.
Vì vậy, chế độ trách nhiệm của Quốc hội trước cử tri cũng cần phải rõ ràng hơn nữa và phải được thực hiện liên tục. Nếu nhiều đại biểu Quốc hội có quyền phê phán rất gay gắt một vị bộ trưởng tại phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp thì họ cũng nên đòi hỏi các cơ quan Quốc hội phải có thái độ thẳng thắn như vậy khi đi giám sát ở cơ sở.