- Một trong những định hướng cải cách tiền lương sắp tới của Chính phủ để phòng chống tham nhũng là bảo đảm cho người có chức, có quyền có mức thu nhập khá trong xã hội.

Mục tiêu trên được nêu trong tổng kết 5 năm thực hiện luật Phòng, chống tham nhũng.

Theo đó, với định hướng nỗ lực cải thiện tình trạng tham nhũng, Chính phủ sẽ cải cách tiền lương một cách thực chất, bảo đảm người có chức, có quyền có mức thu nhập khá trong xã hội. Đồng thời thực hiện đãi ngộ hợp lý với những người làm trong lĩnh vực đặc thù, nhất là lĩnh vực phòng chống tham nhũng.

Nể nang, né tránh khi xử lý người đứng đầu

Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận, sau 5 năm thi hành luật, số người đứng đầu bị xử lý còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý. Còn có sự nhầm lẫn giữa xử lý người đứng đầu khi có sai phạm và xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý. Nguyên nhân là do còn có sự nể nang, né tránh trong xử lý, cùng với những quy định về phân cấp và quản lý cán bộ hiện nay chưa rõ ràng và thiếu hướng dẫn cụ thể.

Ở nhiều nơi, người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng chống tham nhũng. Nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi bị buông lỏng.


Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân - báo cáo nêu.

Ủy ban Tư pháp Quốc hội phân tích, do luật chưa quy định rõ căn cứ, cơ sở xác định trách nhiệm. Chẳng hạn, Quốc hội chưa ban hành luật Công vụ, trong đó xác định cụ thể phạm vi trách nhiệm của từng vị trí công tác.

Chưa có quy định khái niệm về người đứng đầu. Chẳng hạn khi có hành vi tham nhũng xảy ra ở một bộ, ngành thì người đứng đầu được xác định là trưởng phòng, vụ trưởng, cục trưởng, tổng cục trưởng hay bộ trưởng?

Tương tự, ở địa phương, người đứng đầu là ai và trách nhiệm của từng vị trí quản lý đến đâu chưa được làm rõ khi có tham nhũng.

Thủ truởng cơ quan quản lý nhà nước càng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để phát hiện được càng nhiều hành vi tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức mình thì người đó lại càng phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra tham nhũng. Do đó, rất khó tránh khỏi che giấu tham nhũng.

Chưa kiểm soát được thu nhập người có chức


Tổng kết hiệu quả luật Phòng, chống tham nhũng sau 5 năm thực hiện, Chính phủ đánh giá công tác phòng chống giặc “nội xâm” phần nào có chuyển biến, tuy nhiên, tham nhũng vẫn tồn tại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực của đời sống, đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Những biểu hiện tinh vi của tham nhũng đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội, là thách thức lớn với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Điển hình nhất là tình trạng “tù mù” trong các lĩnh vực của đời sống cho dù một trong các nỗ lực kêu gọi phòng chống tham nhũng là phải công khai. minh bạch.

Báo cáo Chính phủ nhận định, công khai, dân chủ trên một số mặt còn hạn chế. Như hoạt động cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, đầu tư dự án, xây dựng, quản lý vốn, tài sản nhà nước, tổ chức cán bộ, tín dụng, ngân hàng… Vẫn còn tình trạng lạm dụng các quy định về bí mật nhà nước để không thực hiện việc công khai, minh bạch.

Đặc biệt, chủ trương về công khai, minh bạch tài sản, thu nhập do mới thực hiện nên vẫn chậm, gặp khó khăn, vướng mắc và phần nào “hình thức”. Chưa có xác minh để bảo đảm tính trung thực của việc kê khai. Kết quả kê khai chưa được công khai, chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập, tiêu dùng của người có chức vụ, quyền hạn.

Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập, chưa minh bạch, chưa xóa bỏ được cơ chế "xin, cho", là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng.

Việc xử lý tham nhũng còn chưa nghiêm, chưa kịp thời. Hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, vì vậy việc phát hiện và xử lý tham nhũng gặp nhiều khó khăn.

Chính phủ đánh giá, những bất cập trên sẽ được khắc phục khi sửa luật Phòng, chống tham nhũng lần này.

Trong 5 năm, cả nước có 678 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó xử lý hình sự 101 trường hợp, xử lý kỷ luật 577 trường hợp. Một số tỉnh, thành phố xử lý nhiều người đứng đầu là: Quảng Nam (77 người), Bình Thuận (46 người), Bắc Giang (41 người), Đăk Lăk (38 người), Cao Bằng (31 người)…


Lê Nhung