Những nhà bình luận hiếu chiến Trung Quốc thúc giục Bắc Kinh sẵn sàng cho cuộc xung đột quân sự với Nhật Bản khi căng thẳng hai nước leo thang xung quanh quần đảo tranh chấp ở Hoa Đông. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, có ít khả năng các đối thủ châu Á sẽ quyết định đi tới chiến tranh.
Rủi ro lớn hơn có thể xảy ra là một cuộc đụng độ hàng hải bất ngờ gây thương vong và đặt ra áp lực trả đũa, nhưng thậm chí có như thế thì ngay sau đó, Tokyo và Bắc Kinh được cho là sẽ nỗ lực tìm cách giải quyết tranh chấp trước khi nó trở thành một cuộc đối đầu quân sự toàn diện.
Ảnh: scmp |
"Đó là rủi ro thực sự - một sự cố hàng hải dẫn tới tổn thất. Nếu một người Trung Quốc hay một người Nhật thiệt mạng, sẽ bùng phát làn sóng chủ nghĩa dân tộc", Linda Jakobson, giám đốc Chương trình Đông Á tại Viện Lowy ở Sydney cho biết. "Nhưng tôi vẫn không hình dung một cách nghiêm trọng rằng nó sẽ dẫn tới cuộc tấn công nhằm vào nước còn lại. Tôi nghĩ rằng lý trí sẽ thắng thế", theo bà, khả năng là các vụ đáp trả bằng biện pháp kinh tế.
Tranh chấp leo thang ở Hoa Đông trong tháng này sau khi chính phủ Nhật đã mua ba đảo từ tay chủ sở hữu tư nhân nằm trong số nhóm đảo tranh chấp với Trung Quốc. Các cuộc biểu tình phản đối Nhật đã nổ ra ở khắp Trung Quốc, đe dọa quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á.
"Đổ thêm dầu vào lửa", Trung Quốc đã điều động hơn 10 tàu tuần tra chính phủ tới vùng biển sát quần đảo có tên Senkaku (tiếng Nhật) hay Điếu Ngư (tiếng Trung Quốc) trong khi Nhật đặt lực lượng phòng vệ bờ biển ở tình trạng báo động cao. Báo chí Trung Quốc đưa tin, 1.000 tàu cá nước này đã đổ ra khu vực tranh chấp.
Tuy nhiên, bất chấp các bế tắc ngoại giao và làn sóng chủ nghĩa dân tộc gia tăng đặc biệt ở Trung Quốc, các chuyên gia nhất trí rằng, cả hai nước đều không muốn căng thẳng leo thang thành cuộc đối đầu quân sự trong cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của quan hệ song phương nhiều thập niên qua.
Áp lực Mỹ
"Khả năng xung đột quân sự là rất nhỏ, vì không bên nào muốn đi vào con đường ấy", Tô Quang Vũ, cựu chuyên gia quân sự Trung Quốc nói.
Theo các chuyên gia an ninh, áp lực từ phía Mỹ - nước tuần trước đã tuyên bố rằng, quần đảo tranh chấp nằm trong phạm vi hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Nhật năm 1960 trong đó quy định Washington sẽ hỗ trợ Tokyo nếu bị tấn công, cũng là lực cản khiến hai bên phải kiềm chế. "Tôi nghiêm túc cho rằng, không bên nào liên quan - Nhật, Trung Quốc và cả Mỹ vì hiệp ước phòng thủ với Nhật - muốn chứng kiến một cuộc xung đột quân sự xung quanh chuyện tranh chấp này", Jakobson của Viện Lowy khẳng định. "Họ không muốn mạo hiểm với nó, họ không tìm kiếm điều đó và không có ý định để nó xảy ra".
Tuy nhiên, khả năng đụng độ trên biển vẫn còn.
Trong khi sự hiện diện của các tàu giám sát Trung Quốc (không có tàu hải quân) và tàu của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật trong khu vực có thể dẫn tới những rắc rối bất ngờ, thì các chuyên gia cho rằng, mỗi bên sẽ cố gắng tránh xa bên còn lại.
"Tin xấu là Trung Quốc điều tàu
tới khu vực. Tin tốt ở chỗ đó là các tàu chính thức do chính phủ kiểm soát",
Narushige Michishita tại Viện nghiên cứu chính sách ở Tokyo nói.
Tàu cá
Các chuyên gia quân sự phân tích, những tàu tuần tra Trung Quốc "có kỷ luật" tốt như tàu của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản, trong khi hai bên đã khá thành thục với việc trao đổi thông tin. "Cả hai bên đều sẵn sàng, nhưng cả hai bên đều kiểm soát rất tốt", một cựu quan chức quân sự cấp cao Nhật nói.
Những gì các nhà quan sát lo lắng chính là rủi ro khi tàu Trung Quốc mang theo ngư dân sơ suất hay việc các nhà hoạt động nước này tìm cách đổ bộ lên đảo tranh chấp, đụng độ với lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật và đụng độ có thương vong.
Năm 1996, một nhà hoạt động Hong Kong đã tử nạn ở vùng nước lân cận khu vực tranh chấp. Quan hệ ngoại giao và kinh tế Trung - Nhật đột ngột căng thẳng năm 2010 sau khi Nhật bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc khi tàu của người này đụng độ với một tàu tuần tra Nhật Bản. Lần này, căng thẳng thực sự đã lên cao và Trung Quốc chuẩn bị bước vào thời khắc chuyển giao quyền lực lãnh đạo trong cả thập niên, còn đảng cầm quyền Nhật Bản thì đối mặt với khả năng "bại trận" trong cuộc bầu cử tới.
"Hai chính phủ lý trí của các nước lớn sẽ không có ý đi tới quyết định bước vào cuộc chiến lớn chỉ vì vài hòn đảo không có người ở", Denny Roy, một chuyên gia an ninh châu Á tại Trung tâm Đông - Tây ở Hawaii cho biết. "Nhưng không may, bạn có thể đi tới chiến tranh bằng những cách khác nhau: như thông qua sự leo thang không mong muốn, khi cả hai bên đều bắt đầu ở mức độ thấp hơn nhiều, nhưng mỗi bên đều cho rằng phải phản ứng đáp trả sự khiêu khích từ bên kia, cả hai bên đều chịu áp lực từ trong nước. Thật khó để biết các nước sẽ thoát khỏi vòng xoáy tiêu cực ấy thế nào".
Tuy nhiên, những người khác thì tin rằng, một cuộc đụng độ bất ngờ có thể được kiểm soát để tránh leo thang thành xung đột quân sự. "Đó thực sự không phải là khả năng lớn, vì vẫn còn rất nhiều kênh thông tin liên lạc hai bên, và chúng sẽ góp phần ngăn chặn xung đột xảy ra. Cả hai bên vẫn có thể trao đổi với nhau", cựu quan chức họ Tô nói.
"Thậm chí trước khi điều gì đó xảy ra, bạn vẫn có Tổng thư ký LHQ và những bên khác bước vào để đảm bảo tình hình không vượt khỏi tầm kiểm soát".
Thái An (theo Reuters)