- Đến năm 2015, văn phòng thường trú của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam sẽ có mặt tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đó là một trong những định hướng trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đại diện của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài.

Dự thảo Quyết định, đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trên trang điện tử của Bộ, cho hay quan điểm của Chính phủ về quy hoạch mạng lưới đại diện cơ quan báo chí Việt Nam ở nước ngoài.

Đó là mạng lưới các văn phòng thường trú ở nước ngoài của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam được thiết lập trên cơ sở tận dụng tối đa năng lực các trụ sở của các cơ quan đại diện ngoại giao, văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài và sự phối hợp giữa các cơ quan thông tấn, báo chí đảm bảo hiệu quả hoạt động, tránh lãng phí.


Thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc - nơi 4 cơ quan báo chí:  Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam mở văn phòng đại diện thường trú từ nhiều năm nay

Về mục tiêu thời gian, dự thảo đề ra đến năm 2015, 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có văn phòng thường trú của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam. Đến năm 2020, khoảng 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có văn phòng thường trú của cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam.

Chính phủ ưu tiên thiết lập các văn phòng thường trú của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam tại những địa bàn trọng điểm về thông tin đối ngoại. Tăng cường sự phối hợp giữa đại diện của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài để không chỉ thực hiện nhiệm vụ là đầu mối cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước trên mọi lĩnh vực mà còn thực hiện các nhiệm vụ thông tin đối ngoại khác.

Theo đó, các cơ quan mở văn phòng thường trú ở nước ngoài là Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam. Đơn vị chủ lực là Thông tấn xã Việt Nam.

Những địa bàn trọng điểm để mở văn phòng đại diện, đó là những nước lớn có phạm vi ảnh hưởng về kinh tế, chính trị toàn cầu; những nước có quan hệ hợp tác chặt chẽ về chính trị, kinh tế và du lịch với Việt Nam; những nước có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam; những nước có đông người Việt Nam sinh sống; các nước láng giềng, các nước ASEAN.

Việc cấp phép mới cần đảm bảo nguyên tắc tại một quốc gia chỉ có một văn phòng thường trú chung của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam.

L.Thư