- Theo báo cáo của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục tăng về số lượng và mở rộng địa bàn cư trú. Đến nay, có hơn 4,5 triệu người Việt đang sinh sống, lao động, học tập tại 103 nước và vùng lãnh thổ.

Số liệu thống kê đưa ra tại hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai với chủ đề “Tầm nhìn đến năm 2020 - Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hội nhập và phát triển cùng đất nước” do Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) tổ chức khai mạc sáng 27/9 tại TP.HCM.

Theo Ủy ban, hàng năm có khoảng 500.000 lượt kiều bào về nước, trong đó có nhiều chuyên gia, trí thức về làm việc và nhiều người về tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh. Hiện có trên 3.500 doanh nghiệp trong nước được thành lập hoặc góp vốn của kiều bào với tổng số vốn đăng ký khoảng 8,4 tỷ USD.

Kiều hối gửi về nước tăng trung bình 10-15%/năm, năm 2011 đạt trên 9 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong 10 quốc gia nhận kiều hồi nhiều nhất; 6 tháng đầu năm nay đạt khoảng 6,4 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào việc ổn định cán cân thanh toán và kinh tế của đất nước.

Đến dự và phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh cho hay hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ là một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam mà còn là nguồn lực quý báu cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, là cầu nối quan trọng trong quan hệ quốc tế của Việt Nam.

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh: Hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ là một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam mà còn là nguồn lực quý báu

Từ sau Hội nghị lần thứ nhất đến nay, nhiều chủ trương, chính sách tiếp tục được ban hành hoặc sửa đổi, hoàn thiện mới, đáp ứng quyền lợi thiết thân của kiều bào.

Nhưng ông cũng cho rằng, so với nhu cầu, mong mỏi của bà con kiều bào cũng như yêu cầu nhiệm vụ phát triển của đất nước trong tình hình mới, vẫn còn nhiều việc phải làm.

Tháo gỡ vướng mắc

Ông Lê Hồng Anh nói, thực tế thời gian qua cho thấy, kiều bào ở một số nơi vẫn chưa thực sự có cuộc sống bảo đảm, địa vị pháp lý chưa ổn định; nhu cầu về giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc, trong đó có việc duy trì tiếng Việt đang trở nên hết sức cấp thiết.

Công tác xây dựng và phát triển hội đoàn gặp không ít khó khăn, tính gắn kết ở một số khu vực cộng đồng không cao; một bộ phận nhỏ kiều bào do thiếu thông tin hoặc thông tin sai lệch nên còn có những lời nói, việc làm đi ngược lại lợi ích của cộng đồng và dân tộc.

Kiều bào vẫn còn thiếu thông tin về Việt Nam


Nhiều chính sách liên quan đến quyền lợi thiết thân của kiều bào, như vấn đề quốc tịch, đầu tư kinh doanh, mua và sở hữu nhà... còn có những vướng mắc trong quá trình triển khai và còn thiếu những chính sách, biện pháp cụ thể để kêu gọi và tạo điều kiện hỗ trợ trí thức kiều bào về làm việc ở trong nước.

Ông Lê Hồng Anh đề nghị hội nghị cần đánh giá một cách đầy đủ và sát thực hơn về tình hình và xu hướng phát triển của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, về hiệu quả của các chủ trương, chính sách đối với kiều bào…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng những tình cảm quý báu của bà con kiều bào hướng về đất nước và luôn coi đồng bào định cư ở nước ngoài là một bộ phận ruột thịt không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ bà con.

Chính phủ kỳ vọng có những chính sách mới đáp ứng được nguyện vọng của bà con

Nhiều văn bản pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho kiều bào trong các lĩnh vực quốc tịch, xuất nhập cảnh, cư trú, mua nhà ở, đất ở… đã đượcban hành.

Công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ hoạt động của các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài được quan tâm hơn trước.

Tuy vậy, Chính phủ cũng nhận thấy rằng những chính sách này còn chưa đáp ứng được hết các nguyện vọng và mong muốn của nhiều bà con. Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến, đóng góp của bà con kiều bào để có những chính sách mới đáp ứng được nguyện vọng của bà con.

Nam Phong