Trong chuyến thăm LHQ ba năm trước, ông Thein Sein đại diện cho chế độ quân sự cầm quyền Myanmar. Còn giờ đây, vị cựu tướng đã trở thành một nhà cải cách.


Tổng thống Myanmar phát biểu tại Đại hội đồng LHQ. Ảnh: France24

Trong bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới tại phiên họp Đại hội đồng LHQ, ông Thein Sein đã nỗ lực giới thiệu hình ảnh mới của đất nước trong quá trình chuyển đổi hướng tới dân chủ sau 5 thập niên dưới quyền lãnh đạo của chế độ quân sự. Ông là lãnh đạo Myanmar đầu tiên phát biểu trước tổ chức thế giới có 193 thành viên.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, người đã gặp ông Thein Sein tại New York, tuyên bố Mỹ sẽ bắt đầu nới lỏng lệnh cấm vận hàng hóa nhập khẩu từ Myanmar kéo dài 9 năm qua. Còn Thant Myint-U, tác giả hai cuốn sách viết về Myanmar thì đánh giá: “Thein Sein trước đây như người phát ngôn của chế độ cũ, còn giờ đây là kiến trúc sư của những đổi thay".

Trong bài phát biểu tại LHQ năm 2009, thời điểm hai năm sau khi được chọn làm quyền thủ tướng, ông Thein Sein đã bóng gió về những thay đổi sắp tới. Ông tuyên bố với khán/thính giả toàn cầu rằng: “Chính phủ đang thực hiện các bước đi có tính hệ thống để tổ chức những cuộc bầu cử tự do và công bằng". Ông cũng nhấn mạnh rằng, dân chủ là không thể "áp đặt" và chỉ trích các biện pháp cấm vận với Myanmar là "không phù hợp", là "công cụ chính trị chống lại Myanmar”.

Khi ấy, bà Suu Kyi, nhà hoạt động bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất Myanmar vẫn bị quản thúc, và rất nhiều tù chính trị còn ở phía trong song sắt.

Giờ đây, một câu chuyện khác hẳn đang diễn ra. Thein Sein đã quyết định thả tự do cho hàng trăm tù chính trị, dỡ bỏ các hạn chế với truyền thông, bắt đầu hòa đàm với các nhóm nổi dậy và thả nổi đồng bản tệ.

Vijay Nambiar, một cố vấn hàng đầu của LHQ về Myanmar, đã gặp gỡ ông Thein Sein khoảng 7 lần trong 10 chuyến công du tới quốc gia Đông Nam Á. Ông mô tả Tổng thống Myanmar là một người "khiêm tốn bẩm sinh, không thích khoa trương ầm ĩ". "Ông ấy kín đáo và nhỏ nhẹ, nhưng không chùn bước hay từ chối một câu hỏi bất ngờ nào đưa ra", Nambiar nói.

Sau khi áp dụng những cải cách dân chủ, khiến phương Tây lần lượt nới lỏng các lệnh trừng phạt và thu hút sự chú ý đầu tư từ cộng đồng doanh nghiệp quốc tế vào Myanmar, ông Thein Sein đang chịu nhiều áp lực vì những chính sách kinh tế phía trước và việc chính phủ của ông sẽ giải quyết những vấn đề khó khăn thế nào. “Những gì ông ấy muốn làm là giải thích sự thay đổi diễn ra, các thách thức phía trước và thể hiện cam kết của chính phủ tiếp tục đi theo con đường này", Thant Myint-U nói.

Giờ đây, các nhà đầu tư đang tập trung vào tiềm năng kinh tế của Myanmar sau nửa thế kỷ nằm ngoài hệ thống tài chính toàn cầu. Báo cáo đưa ra trong tháng này của Quỹ Tiền tệ quốc tế cho biết, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước này sẽ tăng 40%, đạt mức kỷ lục 3,99 tỉ USD trong năm nay.

Các nước phương Tây cũng đang "hâm nóng" quan hệ với chính quyền của ông Thein Sein. Hồi tháng 7, lần đầu tiên sau 15 năm, Mỹ đã cho phép đầu tư vào Myanmar. Còn tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Clinton tuyên bố, quyết định dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu là "bước tiếp theo hướng tới việc bình thường hóa quan hệ thương mại của chúng tôi".

Sau cuộc hội kiến với Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 21/9, bà Suu Kyi nói với báo chí rằng. "Tôi cho rằng, chúng ta cần nghĩ về một mục tiêu chung. Nếu muốn đạt được dân chủ thực sự cho Myanmar, chúng ta phải học cách làm việc cùng nhau và không nghĩ tới ảnh hưởng cá nhân của mình". Giữa đất Mỹ, bà Suu Kyi đã nhắc tới Tổng thống Thein Sein. “Chúng ta cũng phải nhớ rằng, tiến trình cải cách được Tổng thống Thein Sein khởi xướng”.

Trong bài phát biểu hôm thứ năm tại LHQ, lãnh đạo Myanmar đã công khai thể hiện sự tôn vinh với nhà hoạt động Aung San Suu Kyi vì "những nỗ lực cho dân chủ". Ông còn khẳng định mong muốn "hoàn toàn chấm dứt" cuộc chiến kéo dài với các nhóm nổi dậy tại bang Kachin. Ông nói với các nhà lãnh đạo thế giới: "Tuần này, Suu Kyi cũng ở New York. Là một công dân Myanmar, tôi muốn chúc mừng bà ấy vì những tôn vinh bà ấy nhận được ở đất nước này khi được công nhận các nỗ lực vì dân chủ".

Chưa đầy hai năm trước đây, bình luận của ông là không thể tưởng tượng nổi. Aung San Suu Kyi đã trải qua 15 năm quản thúc tại gia dưới chế độ quân sự. Bà được tự do vào tháng 11/2010 và giờ đây là một thành viên trong quốc hội, kêu gọi các thay đổi trong nước cũng như dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt quốc tế.

Thái An (theo Businessweek, France24)