- Không đâu như ở nước ta, mấy anh Tập đoàn Điện lực làm thủy điện đã đành, một công ty may, công ty gỗ cũng chơi, hãng taxi cũng nhảy vào. Không lãi, ai dại gì bỏ nhà vào rừng sâu, núi cao mà làm thủy điện.


Báo chí tốn bao nhiêu là giấy mực với thủy điện. Dân tình lo lắng cho động đất nhiều quá. Các nhà khoa học day dứt. Mấy anh ở Tập đoàn Điện lực còn lo hơn nhiều. Năm bảy nghìn tỷ bỏ ra rồi mà không tích nước, không phát điện thì vô cùng gay go, có khi phải làm liều. Mấy ông lãnh đạo ở tầm cao còn đau đầu hơn để làm sao có quyết định cho đúng, cho bảo đảm sự hài hòa của các mối quan hệ phức tạp này.

Hàng triệu năm rồi, trải qua bao nhiêu cuộc “đảo thiên, lộn địa”, trái đất này mới có được một sự cân bằng, mà chỉ là sự cân bằng tương đối thôi nhé. Những dòng sông êm đềm kia, những dòng suối với những thác nước mộng mơ kia là sản phẩm của thiên nhiên sau bao thăng trầm.

Đánh đùng một cái, loài người xây lên những con đập cao ngất ngưởng và tự hào rằng ta đã chiến thắng “Ông Trời”. Thế là những cân bằng tương đối kia đã bị phá vỡ. Những chỗ nứt gãy của tự nhiên sẽ nứt to hơn. Có phải động đất kích thích từ đó mà ra?

Toàn cảnh bờ đập thủy điện Sông Tranh 2, nơi liên tục xảy ra động đất thời gian gần đây
Không chỉ thế đâu, thủy điện ạ, thủy điện phá rừng hơi bị ác. Các bác chỉ báo cáo diện tích rừng bị chiếm dụng chỉ là diện tích lòng hồ để tích nước. Không đâu, thủy điện báo cáo bị thiếu nhiều đấy. Rừng còn bị phá do làm đường vào xây dựng thủy điện. Mà thủy điện của các bác toàn là xây dựng ở những nơi núi cao, rừng sâu thôi. Thế là những con đường quanh co lên thủy điện được hình thành sau khi các bác cứ thế mà chặt, mà cưa, mà san ủi để có đường lên thủy điện.

Rồi, bà con ta từ ngàn năm nay, chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người, ở dọc các ven sông, ven suối, nghe theo lời động viên của các bác thủy điện, hy vọng là “đếm tiền, mỏi tay”, rời bỏ mảnh đất của cha ông, tái định canh, tái định cư. Mà tái định canh, định cư ở đâu? Lại phải phá rừng tự nhiên, phá rừng gộp, để mà làm nhà, làm nương chứ. Gạo tiền của các bác thủy điện cho dân cũng chỉ được đâu có một năm thôi mà. Hết năm, dân sống bằng gì? Dân biết hy sinh cho thuỷ điện thế nào nữa đây, hỡi bác Trưởng ban dự án thủy điện 3?

Còn nữa, sau đập thủy điện là những dòng sông chết do nước không còn vì dòng nước đã bị bẻ cong, bẻ queo vào các tuốc bin. Nước ở hạ lưu của đập thủy điện khô cạn, cá không còn, thác không còn, rừng không còn, xơ xác.

Đó là chưa nói chuyện động trời khác. Mùa hạ, các bác thủy điện tích nước để phát điện. Một centimet chiều cao của nước là bạc tỷ của các bác đấy, đừng đùa. Thuỷ điện tích như thế, hạ lưu hết cả nước ăn, nước uống, nước tưới. Thế là hạn. Mùa mưa, hạ lưu đang ngập, nước thượng lưu về nhiều, các bác thủy điện sợ vỡ đập, các bác xả, mà xả nhanh. Thế là lụt ở hạ lưu sao mà dữ thế.

Thế mới hiểu tại sao ở một số nước người ta hạn chế thủy điện và thủy điện chỉ do nhà nước làm. Nhà nước làm mới chủ động điều phối được lúc hạn, lúc lũ. Không đâu như ở nước ta, mấy anh Tập đoàn Điện lực làm thủy điện đã đành, một công ty may, công ty gỗ cũng chơi, hãng taxi cũng nhảy vào. Xã hội hóa thủy điện. Tôi thủy điện, anh thủy điện. Không lãi, không siêu lãi, ai dại gì mà bỏ nhà, bỏ vợ con ở đô thị để vào rừng sâu, núi cao mà làm thủy điện. Thế mà vẫn có người còn nguỵ biện, không như thế lấy vốn ở đâu mà làm thủy điện? Buồn thật, thủy điện ơi.

Lê Hoàn