- “Cái hay của bài báo là đã gián tiếp nêu những trăn trở của các tờ báo lá cải hoặc đang dần chuyển sang lá cải, trong đó có cả VietNamNet”.
LTS: Ngày 19/12/1997, trang thông tin điện tử VASC Orient, tiền thân của báo VietNamNet, chính thức ra mắt bạn đọc. 15 năm qua, VietNamNet đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ, chia sẻ và đồng hành của bạn đọc, cộng tác viên xa gần, trên những bước thăng trầm của mình. Như một lời tri ân, VietNamNet cùng quý bạn đọc và các thế hệ phóng viên, biên tập viên nhìn lại các chặng đường, với những câu chuyện nhỏ gắn với sự trưởng thành của báo.
“Chuẩn bị dẫn một bàn tròn trực tuyến nhé! Alex Jones, Giám đốc Trung tâm Báo chí, chính trị và chính sách công Shoreinstein thuộc Đại học Harvard. Cái này cậu làm hợp đó!”, một buổi chiều cuối tháng 12/2011, tôi nhận được điện thoại của tòa soạn.
Tôi khá ngại chường mặt lên báo,
nhưng với Alex Jones thì đương nhiên tôi phải nhận lời. Ông là một học giả báo
chí, một nhà báo có tên tuổi ở Mỹ. Cuốn sách của ông có nhan đề: “Sự mất dần của
tin tức” tôi đã đọc và rất thích. Đại ý cuốn sách ấy nói rằng: Ở nước Mỹ, các
loại tin tức chính thống, chính trị đang mất dần và thay thế vào đó là các loại
tin giải trí, giật gân, lá cải.
Nhà báo Khánh Duy trò chuyện với GS Alex Jones |
Cuốn sách lý giải rằng bước vào thời đại Internet, độc giả chuyển sang đọc báo mạng, dẫn tới tình trạng lượng phát hành và doanh thu báo in sụt thê thảm. Đứng bên bờ vực nguy hiểm, các tổng biên tập báo Mỹ buộc phải tìm mọi cách tăng doanh thu và giảm chi phí. Bán được báo sẽ giúp tăng doanh thu và thực hiện những loại tin tức dễ dãi lại tiết giảm chi phí, thật dễ hiểu tại sao lá cải lên ngôi và tin nghiêm túc suy thoái. Có ai điên không khi làm tin nghiêm túc ít người đọc, thực hiện những phóng sự điều tra tốn kém phần thưởng lại chẳng là bao?
Tình trạng ấy ở Mỹ khá giống với Việt Nam, cho dù nguyên nhân khác nhau ít nhiều nhưng thực trạng thì tương tự, đặc biệt ở VietNamNet, chúng ta từng một thời chạy theo lá cải để tăng lượng truy cập bằng mọi cách và nghĩ đó là con đường tất yếu nếu muốn đột phá.
Tôi thật sự tò mò muốn đối thoại với Alex Jones để tìm hiểu xem liệu lá cải rồi sẽ chiếm thượng phong mãi được không, tin tức nghiêm túc rồi có biến mất thật không, nếu không mất đi thì có cách nào để nó tồn tại... Rất nhiều câu hỏi còn chưa có câu trả lời rõ ràng và cuộc đối thoại ấy hẳn sẽ thú vị.
8h sáng, tôi đến sớm để chuẩn bị cho cuộc bàn tròn. Tôi xuống dưới đón Alex, một người đàn ông to lớn, đường bệ trong bộ vét sang trọng. Ông đến từ tầng lớp tinh hoa của Mỹ, đương nhiên rồi, và nghe nói ông rất kiêu hãnh, cũng phải thôi.
Tôi ngồi đối diện với ông trong căn phòng nhỏ ở tầng 4 tòa nhà C'Land và bắt đầu hỏi. Alex trả lời rõ ràng và rành mạch từng trăn trở của tôi. Vô cùng khúc triết và thuyết phục. Ông nói rằng tin tức nhẹ (giải trí, lá cải và các loại hình khác) đang lên và tin nặng (tin chính thống) đang mất dần, điều đó không có gì phải bàn cãi. Nhưng hãy thử tưởng tượng một ngày ta giở tờ báo ra và chỉ thấy các loại tin đồn về người nổi tiếng, các loại bình luận đao to búa lớn về chính sách này chính sách kia, các loại tư vấn tiêu dùng này khác, hãy thử nhắm mắt vào và tưởng tượng không còn tin tức chính thống nữa?
Tin tức, theo Alex, là trái đất. Tất cả những thứ xung quanh chỉ như bầu khí quyển. Thiếu trái đất thì bầu khí quyển vô nghĩa. Những tin đồn có thể hấp dẫn nhưng chỉ như những đám mây lởn vởn quanh trái đất, nó không được kiểm chứng nên thiếu sức nặng. Những bình luận có thể khiêu khích người đọc nhưng thiếu tin tức thì bình luận trên nền hư không, trở thành vô giá trị. Vậy nhưng cái trái đất ấy lại đang thu hẹp dần và bầu khí quyển cứ phình to ra, nghịch lý của nền báo chí trong thời đại số là như vậy. Tin tức nghiêm túc đang thực sự mất dần.
Tuy vậy, Alex khẳng định loại tin tức ấy sẽ chỉ mất dần trong thời điểm này chứ không biến mất được. Trong ngắn hạn, những tổng biên tập dẫn dắt tờ báo theo hướng cải hóa sẽ nhận được thành quả, lượng truy cập có thể tăng trong một quãng thời gian nào đó nhưng ai ai cũng sẽ làm thế! Lá cải nhảm nhí và bình luận to tiếng tràn ngập! Cái gì mà nơi nơi đều có thì lại thành thứ rẻ tiền. Trong dài hạn, lượng truy cập giảm chứ không tăng, độc giả trung thành ra đi chứ không ở lại, doanh thu sụt tiếp chứ không vụt lên, nhà quảng cáo quay lưng thay vì "bắt tay".
Độc giả lại thấy nhớ những tin tức được kiểm chứng, nhớ những phóng sự điều tra giúp họ biết sự thật. Họ mệt vì những âm thanh la ó đinh tai nhức óc của những tin đồn và bình luận mà cuối cùng cũng không rõ ai đúng ai sai, ai phải ai trái. Khi ấy, họ sẽ tìm tới một vài trang báo nơi họ biết trái tim của báo chí vẫn đặt ở đó, nơi họ biết sự trung thực và khách quan vẫn ngự trị, nơi những tin tức nghiêm túc do những người tử tế thực hiện. Những tờ báo đó rồi sẽ lên ngôi, và hơn thế, vụt sáng. Tờ New York Times là ví dụ điển hình mà Alex đã dẫn giải rất chi tiết.
Thiểu số mới độc đáo và tinh hoa. Báo chí không nằm ngoài quy luật ấy được. Khi tất cả lá cải thì một vài tờ báo nghiêm túc lại tìm thấy cho mình mảnh đất tốt nhất để sống. Không hùa theo đám đông thì mỗi cá nhân lại tìm thấy chính mình. Báo chí không phải là ngoại lệ. Vấn đề không phải là lá cải hay chính thống mà là sáng tạo hay chây ì?
Còn điều này nữa, quan trọng nhất, Alex không quên nhắc tới, quyền lực đích thực của báo chí nằm ở tin tức chứ không phải tin đồn hay bình luận. 1 nghìn tin đồn và 1 vạn bài bình luận không thể hạ gục tổng thống. Nhưng những phóng sự điều tra long trời lở đất trong vụ Waltergate đã khiến tổng thống Mỹ Richard Nixon phải từ nhiệm năm 1974. Sức nặng của khối cầu trung tâm mới là khủng khiếp chứ không phải bầu khí quyển nhẹ hều xung quanh. Tự rời bỏ tin tức nghiêm túc là tự tước đi sức mạnh báo chí của mình, tự buông súng và trao nó cho người khác, tự đánh mất vai trò của mình trong lịch sử. Một tờ báo đang nghiêm túc lại đi vào lá cải hóa là con đường trong dài hạn dẫn vào ngõ cụt, không có lối ra và cũng khó tìm lại lối về.
Đây là câu hỏi cuối cùng của tôi: “Cuốn sách của ông có tên "Sự mất dần của tin tức", vậy nếu phải trả lời Có hay Không cho câu hỏi: "Tin tức sẽ biến mất hay không?", ông trả lời như thế nào?”.
Và đây là câu trả lời của GS Alex Jones: “Cuốn sách có tên là "Sự mất dần của tin tức" chứ không phải là "Những tin tức đã biến mất". Tôi cho rằng chúng ta đang đối mặt với một thách thức nghiêm trọng, thế giới đang đổi thay, nhưng tôi không tin rồi tin tức sẽ biến mất vĩnh viễn trừ phi trí não của chúng ta biến mất vĩnh viễn”.
Một kết luận không thể lạc quan hơn, không thể chính xác hơn nữa của một người tưởng như bi quan nhất, người đã gióng lên hồi chuông cảnh báo Mỹ về sự mất dần của tin tức. Tôi trực tiếp dịch và biên tập toàn bộ bài phỏng vấn thành hai kỳ để đẩy lên VietNamNet với hai tựa: “Làm sao ra quyết định nếu không biết sự thật” và “Mất văn hóa tin tức thì chỉ còn văn hóa tin đồn”.
Sau khi bài báo được đăng, tôi đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn và email của bạn bè, đồng nghiệp chúc khen bài phỏng vấn đã đặt ra một vấn đề và giải đáp nó trọn vẹn trong một bối cảnh không thể phù hợp hơn.
Có những email của đồng nghiệp còn chưa gặp mặt ngay trong báo VietNamNet chỉ đơn giản thế này thôi nhưng rất cảm động: Cảm ơn Khánh Duy về bài phỏng vấn rất có giá trị với mình - đồng nghiệp, ban giáo dục.
Bất ngờ nhất là 8 tháng sau, khi tôi đã ở Mỹ, có hai người bạn, một ở Hồng Kông và một ở Anh đồng thời dẫn đường link bài báo trên Facebook của họ.
Cả hai đều là những người không làm báo, chỉ là những độc giả bình thường hàng ngày đọc báo của chúng ta, nhưng họ đã bình luận: “Cái hay của bài báo là nó đã gián tiếp nêu những trăn trở của các tờ báo lá cải hoặc đang dần chuyển sang lá cải, trong đó có cả VietNamNet”.
Khánh Duy
(Phóng viên VietNamNet, hiện đang học thạc sĩ truyền thông tại Mỹ theo chương
trình học bổng Fulbright)