- Ứng viên dự tuyển vào vị trí lãnh đạo cấp vụ, phòng ở Bộ Tư pháp sẽ phải bảo vệ đề án trước hội đồng và trả lời chất vấn trực tiếp. Đây là một trong các nội dung của đề án thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp phòng, vụ đang được Bộ Tư pháp xây dựng.

Trao đổi với VietNamNet, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Văn Quảng, đại diện đơn vị xây dựng đề án cho hay, đây là một hướng đi mới, với mong muốn phát hiện và lựa chọn được những người có năng lực vào vị trí lãnh đạo.

Theo dự thảo, ứng viên bao gồm các công chức, viên chức trong quy hoạch lãnh đạo cấp phòng, cấp vụ các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; công chức, viên chức các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương và người lao động tại các doanh nghiệp.

Ứng viên đăng ký dự tuyển các ứng viên phải đạt tiêu chuẩn ngạch và tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo theo quy định của Đảng và Nhà nước.

Trước hết, về trình độ chuyên môn ứng viên phải tốt nghiệp đại học trở lên với chuyên ngành phù hợp với vị trí dự tuyển.

Đối với người dự thi là công chức, viên chức phải có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính đối với đăng ký dự thi chức danh lãnh đạo cấp vụ hoặc có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên đối với đăng ký dự thi chức danh lãnh đạo cấp phòng. Nếu ứng viên là người lao động tại các doanh nghiệp thì có thể xem xét, cho phép nợ tiêu chuẩn quản lý hành chính nhà nước. Ngoài ra, ứng viên còn phải bảo đảm điều kiện về thâm niên cũng như các điều kiện khác. Chẳng hạn, ứng viên chức danh vụ trưởng phải có 12 năm công tác.

Ngoài thi kiến thức, ứng viên sẽ thi môn kỹ năng lãnh đạo. Theo đó, ứng viên phải xây dựng, trình bày và bảo vệ đề án trước hội đồng. Sau khi người dự thi thuyết trình, hội đồng sẽ chất vấn trực tiếp.

Bên cạnh đó, ứng viên còn phải dự thi phần xử lý tình huống về kỹ năng quản lý, lãnh đạo, điều hành tại công sở, dưới hình thức phỏng vấn. Hội đồng thi tuyển gồm 7 thành viên trở lên do Bộ trưởng Tư pháp quyết định thành lập.

Dự kiến năm 2013 sẽ triển khai thí điểm thi tuyển công chức lãnh đạo tại 13 đơn vị. Từ năm 2014 - 2015, sẽ triển khai ở các đơn vị còn lại. Dự kiến tổ chức theo định kỳ mỗi năm 2 đợt. Sau thí điểm sẽ tổ chức đán giá và triển khai đại trà từ 2016.

Ban soạn thảo đề án nêu rõ, việc thí điểm thi tuyển sẽ góp phần tạo môi trường làm việc cạnh tranh lành mạnh, tăng động lực và tính thu hút, góp phần giữ chân những công chức, viên chức có năng lực và phẩm chất. Thi tuyển sẽ góp phần khắc phục những nhược điểm của công tác bổ nhiệm hiện nay thông qua việc loại bỏ một số hiện tượng tiêu cực trong công tác cán bộ như bè phái, cục bộ, chạy chức chạy quyền, làm trong sạch, lành mạnh và năng động hoá nền công vụ vốn có xu hướng bảo thủ và khép kín.

Hiện đề án đang được lấy ý kiến hoàn thiện, trước khi Bộ trưởng Tư pháp xem xét, quyết định.

Từ 2005, Bộ Nội vụ đã khởi động chủ trương thí điểm mô hình thi tuyển công chức, viên chức lãnh đạo. Ngay sau đó, Hải Phòng, Đà Nẵng, Long An, Bình Dương, Phú Thọ... đã thí điểm thi tuyển. Một số địa phương đang hoàn thiện đề án thí điểm như Hà Nội, TP.HCM, Bắc Giang.  Ở Đà Nẵng, sau hơn 2 năm tổ chức thi tuyển, đã có 102 người dự thi 30 chức danh lãnh đạo bổ nhiệm cho 11 đơn vị.


Lê Nhung