- Bộ Kế hoạch - Đầu tư thừa nhận tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng, được ví như "cục máu đông", vẫn chậm được giải quyết.
Trong 15 chỉ tiêu được Quốc
hội quyết định trong kế hoạch năm 2012, có 5 chỉ tiêu dự kiến sẽ không đạt: tăng trưởng GDP, tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tạo việc
làm, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ che phủ rừng.
Thông tin được nêu trong báo cáo kinh tế - xã hội do Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày tại phiên họp UB Kinh tế Quốc hội
sáng nay (10/10).
Nợ xấu chậm được giải quyết
Theo đó, ngoài 5 chỉ tiêu nói trên, dự kiến các chỉ tiêu còn lại đều có triển
vọng đạt và vượt kế hoạch.
Trong 5 chỉ tiêu không đạt, tăng trưởng GDP được dự báo chỉ ở mức
5,2% (thay vì 6- 6,5% như kế hoạch). Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp GDP
không đạt so với mục tiêu đề ra.
Tương tự, chỉ số lạm phát được dự báo cho cả năm ở mức khoảng 8%.
Năm 2013, Chính phủ sẽ tiếp tục các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Ngọc Lê |
“Tốc độ tăng trưởng kinh tế mặc dù không đạt kế hoạch đề ra, nhưng xét về động thái đang có chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển ổn định trong các năm sau”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh báo cáo.
Theo đó, trong nhóm các giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện từ nay đến cuối năm, báo cáo nêu rõ việc chủ động điều hành kiềm chế lạm phát khoảng 8%. Kiên trì giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng ở mức hợp lý và bảo đảm thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội.
Chính phủ cũng bày tỏ sự lo ngại bởi tình hình kinh tế vĩ mô chưa thật sự ổn định vững chắc, lạm phát cao vẫn có nguy cơ quay trở lại. Tổng dư nợ tín dụng tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra và chênh lệch lớn so với tốc độ tăng huy động vốn. Tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng chậm được giải quyết.
Minh bạch giá điện, xăng
Cũng theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2013 là GDP tăng khoảng 5,5%, CPI khoảng 7-8%, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 124,3 tỷ USD, nhập siêu ở mức 8%, bội chi ngân sách không quá 4,8% GDP và tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội chiếm khoảng 30% GDP.
Trong các nhóm giải pháp kinh tế - xã hội năm tới, Chính phủ vẫn tiếp tục đặt ra mục tiêu thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng. Theo đó, lãi suất tín dụng sẽ được hạ phù hợp với mức giảm lạm phát, bảo đảm tăng dư nợ hợp lý để doanh nghiệp tiếp cận được vốn.
Tăng cường quản lý hoạt động của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống. Có biện pháp chế tài mạnh mẽ hơn, đủ sức răn đe các hành vi gian lận, thiếu minh bạch, cung cấp thông tin sai lệch đối với các hoạt động tín dụng.
Chính phủ tiếp tục thực hiện chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước đối với các mặt hàng như giá điện, than, xăng, dầu sao cho đảm bảo tính công khai, minh bạch để tạo sự đồng thuận xã hội.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp, Chính phủ cũng nêu giải pháp sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất hợp lý. Thực hiện các giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp giảm hàng tồn kho…
Báo cáo kinh tế - xã hội do Chính
phủ chuẩn bị sẽ được trình tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội sắp
tới.
Ngọc Lê