- Mô hình nào cho thư viện Quốc hội Việt Nam là vấn đề được đặt ra tại hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của Thư viện Quốc hội một số nước trên thế giới” diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

Hội thảo do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Viện Konrad Adenauer (Đức) tổ chức.

Ảnh: Minh Thăng

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng, việc xây dựng thư viện Quốc hội Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin nghiên cứu ngày càng cao của đại biểu. Mặt khác, giúp nâng cao chất lượng công tác thông tin, nghiên cứu phục vụ đại biểu và phát huy hiệu quả nguồn tài liệu, dữ liệu hiện có, qua đó hoàn thiện bộ máy giúp việc của Quốc hội theo hướng hiện đại.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là thư viện Quốc hội Việt Nam nên lựa chọn theo mô hình nào để đạt hiệu quả tối ưu? Phụ thuộc vào mô hình được lựa chọn, Thư viện Quốc hội có thể có các chức năng về lưu trữ, cung cấp thông tin, dịch vụ nghiên cứu, phục vụ độc giả…

Ông Kazuto Yamaguchi, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu của Thư viện Quốc hội Nhật Bản đã giới thiệu về tổ chức và hoạt động của Thư viện Quốc hội Nhật Bản. Thư viện Quốc hội Nhật Bản cung cấp dịch vụ thư viện và dịch vụ nghiên cứu tới các đại biểu Quốc hội (cả các ủy ban và Văn phòng của cả hai Viện, các đảng chính trị); cung cấp dịch vụ thư viện cho các cơ quan hành pháp và tư pháp; cung cấp dịch vụ thư viện tới người dân Nhật Bản.

Ông cũng đưa ra khuyến nghị liên quan đến việc thành lập Thư viện Quốc hội Việt Nam, đó là cần huy động các nhà nghiên cứu trong mỗi lĩnh vực chính sách để cung cấp dịch vụ nghiên cứu cho Quốc hội; tiếp cận các nguồn thông tin kỹ thuật số; hợp tác với các cộng đồng học giả; hợp tác với Thư viện quốc gia và các thư viện công khác…

Một số đại biểu khác cũng chia sẻ kinh nghiệm tổ chức hoạt động của thư viện các nước Hàn Quốc, Úc.

Các ý kiến trao đổi tại hội thảo đã cung cấp thêm thông tin hữu ích phục vụ quá trình xây dựng đề án thành lập Thư viện Quốc hội Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng công tác cung cấp thông tin phục vụ đại biểu.

Ngọc Lê