- Các cơ quan báo mạng điện tử cần nâng cao trách nhiệm tiên phong trong việc tôn trọng và bảo vệ tác quyền báo chí. Để có được việc đó, cần đổi mới trong tư duy cung cấp thông tin.

Bảo vệ tác quyền báo chí trên báo điện tử là một trong những vấn đề nêu ra tại hội thảo "Đạo đức nghề báo trong khai thác và xử lý nguồn tin" do Hội Nhà báo Việt Nam và Học viện Báo chí - Tuyên truyền đồng tổ chức sáng 11/10 tại Hà Nội. 

Phó Tổng biên tập thường trực báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Công Dũng dẫn nghiên cứu của Net Index 2011 cho hay, Internet đã vượt qua đài phát thanh và báo in để trở thành phương tiện thông tin được sử dụng hàng ngày phổ biến nhất, với tỉ lệ 42%.

Cụ thể, hoạt động mạng trực tuyến phổ biến nhất là đọc tin trên mạng (97%), theo sát là tỷ lệ truy cập vào các cổng thông tin điện tử (96%). Số người sử dụng Internet để truy cập vào các trang mạng xã hội tăng 41% năm 2010 lên 55% năm 2011. Giới trẻ cũng sử dụng Internet để cập nhật thông tin trên mạng xã hội (52%), xem video, hình ảnh (45%)....

Các nhà báo tham dự hội thảo trao đổi bên hành lang. Ảnh: LT

Ông Dũng nêu một thực trạng bức xúc liên quan tác quyền báo chí trên báo điện tử, đó là có rất nhiều trang điện tử "núp bóng" khi đưa nhiều bài viết lên mạng và cuối bài thì dẫn nguồn (theo báo này, báo kia) nhưng thực tế, trên các trang này hoàn toàn không có bài viết đó. Ông gọi đây là hiện tượng "lách luật" về vấn đề bản quyền và hiện vẫn chưa bị xử lý, ngăn chặn.

Phó Tổng biên tập báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam nêu quan điểm: Việc các báo điện tử trích lẫn tin của nhau, khiến báo nào cũng na ná báo nào, là hiện tượng "cần xóa bỏ".

Bởi mọi tin hấp dẫn khi vừa lên mạng sẽ được "nhân bản" lên ở khắp các báo. Nếu thực trạng này cứ diễn tiến lâu dài thì sẽ "triệt tiêu" động lực tìm tòi, sáng tạo của nhà báo. Như thế, sẽ có những tờ báo không cần phải vất vả "săn tin", chỉ cần "canh chừng" xem báo nào ra tin hay thì "copy" lại là có tin hấp dẫn.

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Tổng biên tập thường trực Tạp chí Cộng sản chỉ ra, nếu như báo in khối lượng thông tin hạn chế và thường phải tập trung vào tin, bài thuộc mảng vấn đề quy định theo chức năng, nhiệm vụ, dù có muốn tăng lượng tin cũng không thể.

Trong khi đó, các báo mạng điện tử không phụ thuộc vào giới hạn khối lượng tin, bài, cho nên ngoài việc đáp ứng các tin bài theo chức năng, nhiệm vụ, họ có thể mở rộng thông tin.

Và thông thường bạn đọc báo mạng điện tử cũng rất muốn có đủ các thông tin trên mọi phương diện khi truy cập vào một trang nào đó. Do vậy, để cung cấp được lượng thông tin đa dạng trong khi nguồn nhân lực hạn chế, các báo đã chọn cách "khai thác" thông tin.

Hiện tượng vi phạm bản quyền còn bắt nguồn từ sự dễ dãi của thị trường đọc, mà theo ông Dũng, nó cũng góp phần tạo nên chuyện "sao chép quá đơn giản".

Từ thực tiễn, ông cho rằng các quy định và triển khai thực hiện các quy định, quy phạm pháp luật về bảo vệ tác quyền còn nhiều hạn chế. Các quy định về bản quyền nói chung đã có, nhưng chưa quy định cụ thể cho báo mạng điện tử.

Chẳng hạn hình thức phối hợp, liên kết làm tin có được chấp nhận không? Bên cạnh đó, việc quản lý, xử lý việc vi phạm bản quyền của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng khá lỏng lẻo, không quyết liệt, thường xuyên.

Ông khẳng định, các cơ quan báo mạng điện tử cần nâng cao trách nhiệm tiên phong trong việc tôn trọng và bảo vệ tác quyền báo chí. Để có được việc đó cần có sự đổi mới trong tư duy cung cấp thông tin.

"Vấn đề ở đây cũng không có gì mới mà chính là ở chỗ tuân thủ, thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, không lấn sân, không tùy tiện. Việc tôn trọng tòa báo khác trong sử dụng tin, bài cũng chính là sự tự tôn trọng mình.

Nếu có bản lĩnh và trách nhiệm trong hoạt động báo chí, thì bản thân các tòa soạn có đủ thẩm quyền quyết định đăng hay không đăng những tin, bài vi phạm tác quyền. Điều đó có nghĩa vai trò của ban biên tập cần được đặt lên hàng đầu".

Theo ông Thắng, đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cần nhanh chóng ban hành các quy định cụ thể đối với loại hình báo mạng điện tử.

Chẳng hạn rất cần chế độ quy định bảo đảm lợi ích của các tòa báo khi phát hành nguồn tin. "Họ cần được hưởng lợi vì chính nguồn tài nguyên do họ tạo ra chứ không chỉ tập trung cho các đơn vị quản lý đường truyền."

Và, một khi có nguồn kinh phí bổ sung, sẽ cho phép các đơn vị báo mạng điện tử tăng nguồn lực, nâng cao năng lực và trình độ cũng như cải thiện thu nhập cho đội ngũ cán bộ, giảm tải việc chạy theo số lượng.

Bên cạnh đó, phải kiên quyết xử lý các vi phạm tác quyền, không thể để tràn lan như hiện nay. Nếu cần thiết thì cho "đình bản".

Linh Thư