Các thứ trưởng của Nhật Bản và Trung Quốc sẽ sớm đàm phán nhằm giải quyết tranh cãi gay gắt xung quanh chủ quyền tại quần đảo mà Tokyo gọi là Senkaku, Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Kyodo
Hãng tin Kyodo của Nhật cho biết các quan chức cấp cao của Nhật và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã thống nhất đàm phán biển đảo trong cuộc họp tại Tokyo hôm qua.

Thời điểm diễn ra các cuộc đàm phán hoặc các thứ trưởng nào sẽ tham dự vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng đây là một bước 'đột phá' trong việc giải quyết xung đột căng thẳng nhất tại Đông Bắc Á lúc này.

Cũng trong ngày hôm qua, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde nói rằng Trung Quốc có thể sẽ 'thiệt' nếu không cử Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng tới tham dự các cuộc họp về kinh tế toàn cầu diễn ra  tại Nhật Bản tuần qua.

Nhiều người cho rằng việc Trung Quốc không tham dự các cuộc họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới là dấu hiệu mới nhất cho thấy căng thẳng dâng cao giữa Bắc Kinh và Tokyo tại vùng biển Hoa Đông.

Tranh cãi về biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã nổ ra và bị đẩy lên đỉnh điểm khi Tokyo quyết định mua 3 trong số 5 hòn đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông. Động thái này đã khiến biểu tình chống Nhật nổ ra dữ dội tại các thành phố Trung Quốc.

Trung Quốc nói rằng các hòn đảo này là một phần lãnh thổ của họ kể từ thời cổ xưa.

Trong cuộc họp thường niên tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã chỉ trích Tokyo "đánh cắp" đảo của Trung Quốc từ năm 1895, thời điểm kết thúc cuộc chiến Trung - Nhật.

Nguồn tin của chính phủ Nhật cho rằng cách nói này của ông Dương đã khiến quan chức của một số quốc gia khác phải nhíu mày. 

Hãng tin Kyodo trích lời nguồn tin này, nói rằng giọng điệu của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc đã cho thấy "một phong cách phát biểu cực kỳ thiếu nhã nhặn". "Tôi nghĩ rằng các cách nói chuyện đó thường hợp với tại Hội đồng Bảo an LHQ hơn" - nguồn tin giấu tên nói.

Vì cả Trung Quốc và Nhật Bản đều liên quan tới tranh chấp này, "không ai dám nói một cách dứt khoát rằng Nhật là tốt hay Trung Quốc là xấu. Nhưng có một số người đã rất sửng sốt trước các tuyên bố kiểu như vậy" - Kyodo trích lời nguồn tin từ nhân vật giấu tên trong chính quyền Nhật.

Lê Thu (theo Kyodo/CNA)