Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ lý giải trong chương trình Dân hỏi về việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng đột biến sau hai tháng liền ở mức âm.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ
- Trong tháng 9, một loạt mặt hàng thiết yếu và các dịch vụ công dồn dập tăng giá cùng một lúc, đẩy CPI bất ngờ tăng mạnh lên mức 2,2%, bằng mức của cả 8 tháng trước đó cộng lại, cũng như vượt qua mọi dự báo của các chuyên gia. Đâu là nguyên nhân của sự tăng giá giật cục này?

Tác động đến sự tăng giá của tháng 9 chủ yếu do 4 mặt hàng: Giá thuốc và dịch vụ khám chữa bệnh, cùng với học phí các cấp được điều chỉnh tăng tại 43 tỉnh, thành; xăng dầu cũng tăng giá đến 3 lần; cuối cùng là giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng.

Trong đó, giá xăng dầu tăng là do tác động của giá cả thế giới nhưng tác động của nhóm này không cao bằng nhóm y tế và giáo dục.

- Vậy có thể rút ra bài học gì cho việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu trong các tháng cuối năm?

Có hai vấn đề cần tính toán. Trước hết là công tác dự báo và dự đoán. Do tháng 7-8 CPI âm nên ta không lường được tháng 9 lại tăng cao như thế. Nếu dự báo và dự đoán tốt, việc điều hành giá cả từng tháng có thể đều đặn hơn.

Thứ hai là sự phối hợp giữa các bộ các ngành, cũng như giữa trung ương với địa phương. Ví dụ với giá dịch vụ y tế. Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính và Bộ Y tế đã có từ tháng 2 nhưng thẩm quyền quyết định lộ trình điều chỉnh giá lại thuộc HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Nếu có sự điều phối tốt từ Bộ Y tế cùng Bộ Tài chính, chúng ta có thể tránh được tháng 9 là tháng khai trường và học phí tăng. Nếu điều chỉnh giá dịch vụ y tế vào tháng 7-8 thì không những tổng mức tháng 9 không cao thế, CPI mỗi tháng cũng sẽ đều đặn hơn.

Theo VTV