Trung Quốc đã chính thức trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vượt qua Nhật Bản. Dựa trên công bố kết quả GDP của Nhật năm 2010 đưa ra hôm thứ hai, kinh tế Trung Quốc lớn hơn khoảng 7%.

Việc Trung Quốc lên hạng á quân (đứng sau Mỹ) là một dấu hiệu khác của việc chuyển dịch sự thịnh vượng giữa hai cường quốc kinh tế lớn ở châu Á, cũng là cột mốc trong cuộc chinh phục vị thế siêu cường của Trung Quốc.

Nhật Bản từng là một con hổ của châu Á nhưng trong 20 năm qua, họ bị mắc kẹt trong con đường phát triển kinh tế và dần dần suy giảm ảnh hưởng toàn cầu. Giờ đây, Trung Quốc, với tỉ lệ tăng trưởng 10%, đã thay thế Nhật Bản để trở thành biểu tượng hàng đầu của một phương Đông trỗi dậy.

Ảnh: chinastockdigestblog
Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn, là một thực tế rằng, Trung Quốc ngày nay đang sử dụng các chính sách và thực tiễn tương tự mà Nhật đã tiến hành nhiều năm trước đây để tăng thứ hạng trong danh sách những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cả hai bên đều áp dụng cái gọi là “chủ nghĩa tư bản nhà nước”: kết hợp sự kiểm soát chính phủ với các doanh nghiệp tự do để sản sinh ra tỉ lệ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và phát triển công nghiệp. Nhưng như trường hợp của Nhật Bản đã cho thấy, hệ thống “chủ nghĩa tư bản nhà nước” tồn tại sai lầm và rủi ro cũng nhiều như lợi ích mà nó mang lại. Hệ thống ấy đã khiến phép màu kinh tế Nhật Bản chấm dứt trong sự suy yếu của nền kinh tế.

Và một câu hỏi lớn mà Trung Quốc đối mặt là: Phiên bản chủ nghĩa tư bản nhà nước của Bắc Kinh sẽ thắng lợi khi Nhật Bản thất bại? Trung Quốc có thể tránh được số phận của Nhật Bản?

Trên thực tế, Nhật Bản là gốc rễ chủ nghĩa tư bản nhà nước của châu Á. Họ bắt đầu đưa ra hệ thống nhà nước dẫn dắt trong thế kỷ 19, và mô hình này thực sự đạt đỉnh cao từ những năm 1950-1970, khi Nhật sản sinh ra một tỉ lệ tăng trưởng kiểu như Trung Quốc hiện tại. Các nhà lãnh đạo khi ấy xác định phân bổ nguồn lực kinh tế bằng cách “lựa chọn người thành công” - chọn ra một số ngành công nghiệp ưu thế - sau đó đảm bảo rằng các ngân hàng sẽ “bơm tiền” cho những công ty và dự án ưu đãi.

Mặc dù chính phủ không sở hữu nhiều ngân hàng, nhưng kiểm soát hiệu quả hoạt động cho vay. Tỉ lệ tiết kiệm nội địa lớn được chuyển vào đầu tư công nghiệp. Hệ thống tạo ra thặng dư tiền gửi khổng lồ bằng cách thúc đẩy xuất khẩu. Nhật Bản khi ấy bị cáo buộc giữ đồng yên ở mức giá thấp để tăng tính cạnh tranh cho xuất khẩu. Và chủ nghĩa tư bản nhà nước của Nhật Bản không chỉ tạo ra mức tăng trưởng đầy ấn tượng, nó còn hỗ trợ những ngành công nghiệp mới, có khả năng cạnh tranh toàn cầu như sắt thép và bán dẫn.

Trở lại những năm 1970 và 1980, nhiều người ở Mỹ tin rằng, Nhật Bản đã tạo ra một mô hình kinh tế tốt hơn phương Tây, có khả năng tốt hơn trong việc “hấp thụ” những cú sốc, duy trì tăng trưởng và đảm bảo việc làm thời suy thoái, thúc đẩy các ngành công nghiệp tương lai. Một số chuyên gia còn khẳng định, Mỹ nên học tập các phương pháp của Nhật Bản để nâng cao tính cạnh tranh.

Trung Quốc đang đi theo mô hình tương tự. Chính phủ Trung Quốc thông qua hệ thống ngân hàng nhà nước trực tiếp cho vay các ngành công nghiệp “trụ cột” bao gồm sắt thép và sản xuất ô tô. Chính phủ cũng hỗ trợ phát triển những ngành công nghiệp mới như năng lượng xanh, thông qua những khuyến khích tài chính đặc biệt. Trung Quốc sở hữu số thặng dư khổng lồ bằng cách giữ đồng bản tệ ở mức siêu rẻ để thúc đẩy xuất khẩu. Người tiêu dùng Trung Quốc có xu thế trở thành người tiết kiệm, chứ không phải người chi tiêu, và kinh tế tăng trưởng thông qua đầu tư.

Không ít các chuyên gia, doanh nhân cũng như nhà báo trở nên mê mẩn với mô hình “chủ nghĩa tư bản nhà nước” của Trung Quốc theo đúng cách họ từng ngưỡng mộ Nhật Bản. Trong khi Mỹ và khu vực đồng euro vật lộn để duy trì sự cạnh tranh và tạo việc làm, thì Trung Quốc lại bận rộn đầu tư vào các ngành công nghiệp tương lai, và đảm bảo thu mua, dự trữ tài nguyên tự nhiên ở khắp thế giới. Điều đáng nói là, Mỹ đã trở nên gần Trung Quốc hơn - đến với “chủ nghĩa tư bản nhà nước” và theo đuổi các chính sách công nghiệp của Trung Quốc để đảm bảo tính cạnh tranh trong tương lai.

Tuy nhiên, hệ thống chủ nghĩa tư bản nhà nước châu Á cũng có nhiều khiếm khuyết - trong trường hợp của Nhật Bản đã được minh chứng. Con đường của chủ nghĩa tư bản nhà nước kiểu Nhật là giảm chi phí và rủi ro của đầu tư công nghiệp, nhưng thực tế là cùng lúc đó đã bóp méo cơ cấu khuyến khích trong nền kinh tế, và kết quả là dư thừa công suất. Sự can thiệp của chính phủ, kết hợp với những mối quan hệ chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và ngân hàng, đã tạo ra một hệ thống tài chính cho phép việc phân bổ các quỹ đầu tư dựa trên sự thiên vị chính phủ hay những quan hệ cá nhân.

Nói một cách khác, kinh tế không hoạt động với những quy định rõ ràng dựa trên rủi ro tín dụng hay quản trị doanh nghiệp. Cuối cùng, sự sụp đổ của hệ thống tư bản nhà nước Nhật đi vào khủng hoảng. Các nhà hoạch định chính sách tuyệt vọng duy trì tỉ lệ tăng trưởng cao bằng cách giữ giá trị đồng tiền siêu rẻ ở thời gian quá dài và thổi phồng bong bóng chứng khoán, bất động sản vào cuối những năm 1980. Khi bong bóng nổ tung, những công ty nợ lớn từng tồn tại vì tín dụng dễ dàng trở thành mất hết năng lực. Những công ty “sống dở chết dở” ấy đại diện cho chính sách đầu tư quá mức và có lẽ không có lý do gì để tồn tại ngay trong giai đoạn đầu tiên. Lĩnh vực tài chính để lại một mảnh đất hoang tàn.

Những nước khác mô phỏng hệ thống của Nhật Bản đã đối mặt với thảm họa tương tự. Hàn Quốc áp dụng mô hình rất giống Nhật kể từ bắt đầu những năm 1960, với các kết quả tương tự: tăng trưởng cao bất ngờ và sự nổi lên của những ngành công nghiệp có khả năng cạnh tranh toàn cầu, như đóng tàu. Nhưng chính sách của Hàn Quốc cũng dẫn tới những vấn đề tương tự như ở Nhật và toàn bộ hệ thống sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Quyết định cho vay của ngân hàng ảnh hưởng từ sự ưu tiên của chính phủ và những mối liên kết cá nhân tạo ra thứ có thể gọi là “nhà máy bong bóng”, khi các hãng đầu tư vào năng lực công nghiệp quá mức thực tế. Khi khủng hoảng xảy ra, hệ thống tập đoàn sụp đổ trong gánh nặng nợ nần. Trường hợp điển hình nhất là Daewoo, hãng sụp đổ năm 1999.

Điểm mấu chốt ở đây là chủ nghĩa tư bản nhà nước châu Á sản sinh ra một số năm tăng trưởng mạnh, tạo việc làm, xóa nghèo nhưng cũng gieo những hạt giống phá hủy tương lai. Tư bản nhà nước dẫn tới việc phân bổ sai các nguồn lực tài nguyên và cuối cùng được hiệu chỉnh với chi phí rất lớn.

Có lý do hợp lý khi ít nhất nên hỏi nếu Trung Quốc dấn thân vào một mớ hỗn độn tương tự. Hệ thống tư bản nhà nước tại Trung Quốc cũng được cho là tạo ra khoản nợ quá mức mà Nhật Bản và Hàn Quốc gặp phải. Chính phủ Trung Quốc từng tự than phiền về dư thừa công suất trong một số ngành công nghiệp như sắt thép. Ở đây cũng có sự liên kết gần gũi giữa chính phủ, tài chính và doanh nghiệp - rất nhiều công ty và ngân hàng hoàn toàn thuộc sở hữu nhà nước, ngân hàng quốc doanh thường cho công ty quốc doanh vay. Tiền vay được dễ dàng nhằm mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng tạo điều kiện cho sự tăng vọt trong đầu tư bất động sản và giá cả. Điều gì đang xảy ra? Quản lý tiền tệ lỏng lẻo, vay trực tiếp, hỗ trợ của chính phủ đang bóp méo các khích lệ kinh tế theo cách có thể thúc đẩy tiến bộ nhanh chóng của ngành công nghiệp, nhưng cũng có thể phân bổ sai lệch nguồn lực tài nguyên và thổi phồng bong bóng bất động sản.

Dĩ nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ có một cuộc khủng hoảng kinh tế. Có một lập luận đưa ra rằng, Trung Quốc là “khác biệt” - nền kinh tế quá lớn khiến họ có thể hỗ trợ cho mọi thứ được xây dựng. Trung Quốc cũng ý thức được sự rủi ro của mô hình kinh tế và nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc của kinh tế vào đầu tư bằng cách khuyến khích chi tiêu tiêu dùng. Những cải cách như vậy sẽ được minh chứng nếu Trung Quốc tránh được những cái bẫy mà Nhật Bản và Hàn Quốc phạm phải.

Kinh tế Nhật Bản trì tệ trong 20 năm vì không sẵn sàng cải cách mô hình tư bản nhà nước đủ để giải quyết các vấn đề mà hệ thống ấy tạo ra. Lý do vì sao khiến Hàn Quốc đang làm tốt hơn là vì nhà nước đã “lùi sau” nền kinh tế, để nó trở nên tự do hơn, cởi mở hơn. Hay nói một cách khác, Hàn Quốc nổi lên từ đống tro tàn của thực tiễn tư bản nhà nước bằng cách xóa bỏ những thực tiễn ấy và trở nên “phương Tây” hơn trong mô hình tư bản của mình.

Nên, vấn đề lớn mà Trung Quốc đối mặt trong 10-20 năm tới là liệu có thể duy trì các lợi ích của mô hình tư bản nhà nước (tăng trưởng cao, tiến bộ công nghiệp nhanh chóng) trong khi tránh khỏi đối đầu với những cái giá của nó (phân bổ tài nguyên sai lệch, dư thừa công suất, bong bóng tài sản).

Giờ đây, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản bằng cách sử dụng ưu thế mô hình kinh tế Nhật Bản, Trung Quốc nên học hỏi những lý do khiến Nhật Bản rơi lại phía sau.

  • Thái An (Theo TIME)